Tái diễn nạn trộm cát

Mạnh Cường
Mạnh Cường
31/05/2018 11:31 GMT+7

"Cát tặc" lại ngang nhiên khai thác cát tại khu vực xã Bình Tú, H.Thăng Bình (Quảng Nam).

Khi nạn trộm cát trắng trái phép dọc tuyến đường ven biển 129 ở Quảng Nam chưa được giải quyết triệt để, “cát tặc” lại ngang nhiên khai thác cát tại khu vực xã Bình Tú (H.Thăng Bình) bất chấp sự phản ứng của người dân.
Ngang nhiên xúc trộm
Trong năm 2017, địa phương xử lý được 3 - 4 trường hợp, còn đầu năm 2018 thì chưa. Nếu nói truy quét triệt để thì không thể, chỉ là làm sao đó để... hạn chế lại thôi.
Ông Nguyễn Đình Yến, Chủ tịch UBND xã Bình Tú
PV Thanh Niên vừa tiếp cận hiện trường khai thác cát trái phép tại khu vực xã Bình Tú (H.Thăng Bình) sau khi nhận thông tin phản ánh của người dân về tình trạng “cát tặc” ngang nhiên hành động. Trước mặt là nhiều đồi cát trắng bị cày xới, khoét thành từng hố sâu; nhiều hố sâu 2-3 m với vết xúc còn rất mới, ước tính hàng ngàn khối cát đã bị lấy đi. Bên cạnh đó, nhiều gốc cây keo, bạch đàn… nằm trơ trọi trên mặt đất. Những con đường dẫn vào đồi cát vẫn còn nguyên dấu bánh xe cùng các ván gỗ lót đường cho xe chạy.
Theo một số người dân, nạn khai thác cát trái phép đã diễn ra đã nhiều năm nay với mức độ khai thác quy mô lớn, diễn ra cả ngày lẫn đêm. Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền nhưng "cát tặc" vẫn hoành hành. Ông N.V.T. (54 tuổi, ở thôn Tú Nghĩa, xã Bình Tú) bức xúc cho biết ngày nào cũng có khoảng 10 - 15 chiếc xe lôi ngang nhiên xúc trộm cát, chạy ầm ầm. Hết xe này đến xe khác, cứ thế nối đuôi nhau chở cát đem lên quốc lộ bán cho các cơ sở vật liệu xây dựng. “Nạn trộm cát trắng diễn ra trong thời gian dài, công khai nhưng không thấy có sự can thiệp của chính quyền địa phương. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, không biết đến bao giờ mới chấm dứt”, ông T. thắc mắc.
Bà N.T.L. (ở thôn Tú Nghĩa) cũng tỏ ý ngán ngẩm, bởi không sớm thì muộn tài nguyên khoáng sản sẽ cạn kiệt. “Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần phản ánh nhưng nạn trộm cát vẫn không được xử lý. Việc xúc trộm cát đã tạo ra những hố sâu, rộng, khi mưa xuống nước đọng lại, nếu trẻ em không may trượt chân rơi xuống thì rất nguy hiểm”, bà L. than phiền.
Đường dẫn vào đồi cát vẫn còn dấu bánh xe, ván gỗ lót đường cho xe chạy Ảnh: M.C
Chính quyền “bó tay”?
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Đình Yến, Chủ tịch UBND xã Bình Tú, thừa nhận nạn khai thác cát trắng trái phép trên địa bàn đã trở thành “điểm nóng”, dai dẳng gần 10 năm nay. Địa phương tổ chức nhiều đợt truy quét nhưng không hiệu quả, vì mỗi lần ra quân đều bị "phát hiện". “Trong năm 2017, địa phương xử lý được 3 - 4 trường hợp, còn đầu năm 2018 thì chưa. Nếu nói truy quét triệt để thì không thể, chỉ là làm sao đó để… hạn chế lại thôi”, ông Yến nói.
Cũng theo ông Yến, địa phương đang gặp khó bởi khi bắt quả tang tại hiện trường mới xử lý, còn khi cát xúc lên xe chạy trên đường thì “bó tay” vì xã không có quyền dừng xe để kiểm tra. Địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị, huyện có cử lực lượng xuống nhưng được vài ngày thì đâu cũng vào đó. “Công an huyện bắt xử phạt rồi lại thả về, với mức phạt kiểu đó thì không đủ sức răn đe. Không chỉ trộm cát trắng, mà tại khu vực đập cao su trên địa bàn, cát tặc cũng ngang nhiên dùng bè xúc trộm dưới lòng sông, suối rồi đem đi bán trong thời gian dài”, ông Yến thông tin thêm.
Trong khi đó, ông Trần Toản, Trưởng phòng TN-MT H.Thăng Bình, cho hay chính quyền xã và đội liên ngành của huyện đã được giao phối hợp kiểm tra, xử lý. “Có thể việc trộm cát là do một số người dân làm nhà cần vật liệu nên ra xúc”, ông Toản nhận định.
Trước đó, báo Thanh Niên đã đăng tải bài viết "Ngang nhiên trộm cát trắng” (số ra ngày 3.7.2017) và “Trộm cát hoành hành dọc tuyến đường ven biển” (ngày 25.9.2017), phản ánh tình trạng khai thác cát trái phép dọc tuyến đường ven biển 129 (thuộc H.Thăng Bình và TP.Tam Kỳ). Tuy nhiên, đến nay chưa hề có dấu hiệu "hạ nhiệt" và nạn trộm cát được giải quyết triệt để, mà ngược lại "cát tặc" vẫn khá lộng hành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.