Tái định cư người dân kiểu 'tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa'

05/03/2021 06:03 GMT+7

Để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở, UBND H.Đăk Glei (Kon Tum) đã bố trí đưa người dân đến nơi ở mới; thế nhưng khu tái định cư lại đang bị sạt lở.

Nhiều năm qua, người dân trên địa bàn H.Đăk Glei bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng sạt lở núi, sạt lở bờ sông, thiên tai... Trước tình hình đó, năm 2018, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt dự án Bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn H.Đăk Glei.

Trớ trêu nhà cửa bị sạt lở, chính quyền đưa đến nơi ở mới lại sạt lở không kém

Phát lộ những “cái bẫy”

Dự án được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng H.Đăk Glei (BQLDA) làm chủ đầu tư với tổng số vốn hơn 115 tỉ đồng. Dự án bắt đầu thực hiện từ cuối năm 2019, bao gồm các công trình dân dụng, giao thông, cấp nước và cấp điện sinh hoạt; nhiều khu giãn dân, khu tái định cư (KTĐC) tại các xã: Đăk Choong, Đăk Nhoong, Đăk Pek, TT.Đăk Glei... (H.Đăk Glei).
Để tìm hiểu thêm sự việc, ngày 3.3, PV Thanh Niên đã liên hệ ông Đỗ Sum, Phó chủ tịch UBND H.Đăk Glei, qua điện thoại. Sau khi bắt máy, ông Sum xác nhận mình phụ trách mảng này nhưng hiện tại ông đang bận nên cúp máy.
PV cũng đã tìm đến BQLDA để đăng ký làm việc. Tuy nhiên, nhân viên ở đây cho biết lãnh đạo đi vắng và từ chối cung cấp thông tin cũng như số điện thoại của lãnh đạo. PV cũng liên tục liên hệ với bà Y Thanh, Chủ tịch UBND H.Đăk Glei, nhưng không nhận được phản hồi.
Là một trong những hạng mục của dự án, KTĐC thôn Chung Năng (TT.Đăk Glei) với 65 hộ dân đã xuất hiện nhiều bất cập. Những người dân được cấp đất ở dự án này cho biết KTĐC đang phát lộ những “cái bẫy” chết người.
Theo đó, KTĐC được bố trí nằm sát bên một ngọn đồi cao. Để có mặt bằng xây dựng, các đơn vị thi công đã san ủi ăn vào chân ngọn đồi này. Đến thời điểm hiện tại, nhiều ngôi nhà đã thành hình và quay lưng vào chân đồi. Ở phía trên ngọn đồi này xuất hiện tình trạng sạt lở nghiêm trọng.
Anh Bùi Văn Thơm (39 tuổi, ngụ thôn Chung Năng) cho biết, nhà cũ của anh nằm gần bờ sông Pô Kô. Do tình trạng sạt lở bờ sông nên gia đình anh được chính quyền địa phương vận động lên KTĐC. Khi đồng ý đến nơi ở mới, anh được cấp 1 lô đất ở và 20 triệu đồng để xây nhà. Anh Thơm vay mượn thêm 50 triệu đồng để xây dựng nhà ở KTĐC. Tháng 8.2020 khi căn nhà xây xong, anh Thơm đưa gia đình chuyển vào sinh sống. Tuy nhiên đến tháng 12.2020, một cơn mưa lớn khiến ngọn đồi phía sau nhà anh đổ ụp xuống. Nghe tiếng nổ lớn, anh Thơm đưa vợ con chạy theo cửa trước ra ngoài. Căn nhà sau đó bị đất đá đè sập, hàng chục con gà bị vùi lấp, nhiều vật dụng bên trong bị hư hỏng nặng.
“Chúng tôi ở chỗ cũ thì bị sạt lở bờ sông. Được chính quyền địa phương vận động lên đây, chúng tôi cũng đồng ý đi theo. Cứ tưởng thoát được sạt lở bờ sông, giờ lại sợ bị núi đè. Đúng là tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa...”, anh Thơm nói và cho biết, sau khi sạt lở xảy ra, anh được BQLDA hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng 1 căn nhà khác cách nhà cũ gần 100 m.

Với 20 triệu đồng, vợ chồng chị Y Cửi không thể xây nhà nên quây tôn ở tạm

Ảnh: Đức Nhật

Không thể xây nhà

Theo người dân ở thôn Chung Năng, ngoài nỗi lo sạt lở, người dân còn đối mặt với nỗi lo nền đất sụt lún gây nứt nhà. Cách nhà anh Thơm không xa, nhà ông A Phiếu cũng đã 3 lần đổ móng nhưng không dám xây nhà vì cho rằng nền đất yếu. Khi gia đình ông A Phiếu đổ móng xây nhà thì nền đất liên tục bị sụt lún khiến những tấm dầm móng bị nứt toác, mất liên kết với móng nhà.
Còn chị Y Cửi (23 tuổi) cho biết, khi đồng ý đến ở KTĐC, gia đình chị được cấp 20 triệu đồng để làm nhà. Tuy nhiên số tiền quá ít khiến gia đình chị không thể xây nhà. “Mình không có tiền nên chỉ mua tôn quây lại làm nhà ở tạm. Ở trên này sát chân đồi nên sợ sạt lở lắm. Mỗi hôm mưa gió, cả nhà mình lại về nhà cũ ở”, chị Cửi nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.