Phần lớn đất trồng lúa cấp sau khi tái định cư cho 106 hộ dân bị di dời do ảnh hưởng công trình thủy điện A Lưới đều bị sỏi đá như thế này - Ảnh: Đ.T |
Đất đổi... đá
Công trình thủy điện A Lưới được khởi công xây dựng trên sông A Sáp, H.A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế vào tháng 6.2007. Để nhường đất cho công trình này đã có 106 hộ dân thuộc các dân tộc Tà Ôi, Pa Kô và Kinh thuộc 3 xã Sơn Thủy, Hồng Thái và Hồng Thượng phải di dời đến nơi ở mới. Từ năm 2011 việc di dân được tiến hành. Toàn bộ người những hộ dân di cư được bố trí tái định cư tại thôn A Sáp, xã Hồng Thượng (A Lưới). Ngoài công trình nhà ở, người dân được bố trí đất sản xuất bằng hình thức đất đổi đất, tức là mất bao nhiêu đất sản xuất nơi ở cũ thì được trả lại bằng ngần ấy diện tích ở nơi ở mới. “Người ta biểu là đất đổi đất, nhưng đất mà chúng tôi có trước khi di dời mỗi năm trồng lúa được 2 vụ, trồng màu cũng tốt nhưng khi sang ở khu tái định cư thì đất toàn đá, không thể nào sản xuất nổi. Đây là đất đổi đá, chứ không phải đất đổi đất như người ta nói” - Trưởng thôn A Sáp A Viết Huy nói như mếu.
Đau khổ hơn là trường hợp cụ bà Kăn Múc, 75 tuổi. Như bao hộ dân khác, năm 2011 cụ bà Kăn Múc cùng người con trai của mình di dời đến ở tại khu tái định cư dành cho những hộ dân bị ảnh hưởng công trình thủy điện A Lưới. Tại đây người ta bố trí cho cụ Múc hơn 3 sào đất (hơn 1.500m2) để canh tác nhưng phần lớn gặp toàn sỏi đá nên cụ Múc không thể canh tác từ mấy năm nay.
Dân bí bách, chủ đầu tư lơ là
Theo Trưởng thôn A Sáp A Viết Huy, toàn bộ 106 hộ dân tái định cư được bố trí 25ha đất nông nghiệp nhưng chỉ có 9,4ha có thể trồng được lúa, gần 15ha còn lại toàn sỏi đá, nền đất khô và cứng nên người dân không thể canh tác, trồng trọt để kiếm cái ăn. Trước khi được giao đất sản xuất cơ quan chức trách đã tiến hành san ủi, bóc tách sỏi đá trên bề mặt đất nhưng vẫn không sao hết nổi sỏi đá. Một chủ trương sau đó được đưa ra là người dân bỏ công cải tạo đất bằng cách bóc tách, lượm đá và sẽ được trả 300 ngàn đồng mỗi ngày công nhưng cũng không tài nào lượm hết sỏi đá. Và nếu có lượm hết lớp này thì bên dưới vẫn còn lớp khác. Không chỉ thế, vùng đất được cấp cho bà con sản xuất nông nghiệp thường xuyên thiếu nước do hệ thống thủy lợi kênh mương bị hư hỏng. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay do không có nước sinh hoạt nên bà con phải dùng nước giếng hoặc nước suối. Khu tái định cư có một trạm y tế nhưng không có cán bộ nên cũng đóng cửa.
Theo UBND xã Hồng Thượng cũng như Phòng Tài nguyên môi trường H.A Lưới thì quỹ đất sản xuất nông nghiệp để giao cho bà con tái định cư do ảnh hưởng công trình thủy điện A Lưới trên địa bàn xã gần như đã hết. Đây cũng chính là vấn đề nan giải và việc giải quyết đất sản xuất cho đồng bào đang rơi vào bế tắc. Nhiều cuộc họp bàn bạc vấn đề này cũng đã được tổ chức từ thôn lên đến huyện nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp khả thi. Mới đây nhất, sáng 21.10 một cuộc họp khác được tổ chức nhằm bàn bạc tháo gỡ khó khăn về đất sản xuất cho 106 hộ dân tái định cư ở thôn A Sáp. Cuộc họp có sự tham gia của ban thôn, đại diện chính quyền xã Hồng Thượng và ban ngành liên quan của huyện nhưng chủ đầu tư lại vắng mặt nên cuộc họp không mang lại kết quả như mong đợi của mọi người. Trao đổi với PV Thanh Niên, Chủ tịch UBND H.A Lưới Hồ Xuân Trăng xác nhận có tình trạng đất sản xuất cho đồng bào tái định cư do ảnh hưởng công trình thủy điện A Lưới đang gặp khó khăn do nền đất cứng và có sỏi đá. Ông cũng đã chỉ đạo các phòng ban chức trách của huyện phối hợp với chủ đầu tư tìm giải pháp tháo gỡ.
Đình Toàn
>> Chặn dòng A Sáp xây dựng công trình thủy điện A Lưới
>> Quỹ đất thừa nhưng vẫn nợ dân tái định cư
>> Đà Nẵng ra “tối hậu thư” về trả nợ đất tái định cư cho dân
>> Tái định cư thủy điện Sông Tranh 2: Hàng loạt cán bộ bị kỷ luật
>> Ì ạch tái định cư
>> Khát' đất tái định cư
Bình luận (0)