Tài khoản ngân hàng không chính chủ sẽ bị ngừng giao dịch online

Mai Phương
Mai Phương
04/10/2024 04:16 GMT+7

Từ đầu năm 2025, tài khoản thanh toán ngân hàng, thẻ tín dụng, ví điện tử phải được xác thực chính chủ mới được giao dịch online. Đây là quy định tiếp theo việc xác thực sinh trắc học tài khoản ngân hàng đã được áp dụng từ tháng 7 vừa qua.

Loại trừ cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng

Thông tư 17/2024 quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ thanh toán, cũng như Thông tư 18/2024 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (NH) do NH Nhà nước (NHNN) ban hành đã có hiệu lực từ ngày 1.7 vừa qua. Tuy nhiên, một số quy định mới sẽ áp dụng muộn hơn. Cụ thể, từ ngày 1.10, khách hàng mở thẻ tín dụng và ví điện tử qua mạng phải thực hiện sinh trắc học. Đặc biệt, kể từ đầu năm 2025, khách hàng đã có tài khoản tại các NH chỉ có thể giao dịch bằng phương tiện điện tử (Internet Banking, Mobile Banking) khi đã hoàn thành việc xác thực, đối chiếu thông tin cá nhân đúng với giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức). Dữ liệu sinh trắc học của chủ tài khoản phải trùng khớp với dữ liệu sinh trắc học được lưu của thẻ CCCD gắn chip hoặc thẻ CCCD của chủ tài khoản đã được xác thực chính xác do cơ quan công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của người đó. Quy định này cũng áp dụng cho việc sử dụng thẻ tín dụng và ví điện tử. Hay nói cách khác, kể từ đầu năm 2025, nếu tài khoản thanh toán NH, ví điện tử không được xác thực chính chủ thì sẽ không được phép giao dịch online. Quy định tương tự đã được áp dụng cho các tài khoản chứng khoán kể từ ngày 1.10 vừa qua.

Tài khoản ngân hàng không chính chủ sẽ bị ngừng giao dịch online- Ảnh 1.

Tài khoản ngân hàng không chính chủ sẽ không được chuyển tiền online từ đầu năm 2025

ẢNH: NHẬT THỊNH

Quy định này được ban hành nhằm loại trừ, giảm thiểu việc cho thuê, mượn tài khoản NH hoặc mở tài khoản NH bằng giấy tờ giả, góp phần ngăn chặn việc lừa đảo cũng như tăng mức độ an toàn cho người dân khi sử dụng dịch vụ NH điện tử.

Thực tế thời gian vừa qua, nhiều vụ lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản NH nhưng không đòi lại được, thậm chí cơ quan điều tra cũng phải mất nhiều thời gian để xác định chính chủ bởi đó là các tài khoản "rác", tài khoản ảo do được thuê, mượn người khác đứng tên. Vì vậy, theo NHNN, kể từ ngày 1.7 khi bắt đầu triển khai xác thực sinh trắc học thì đến nay đã có khoảng 38 triệu tài khoản thực hiện, trong đó có gần 4 triệu ví điện tử. Qua theo dõi số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, số lượng vụ việc lừa đảo mất tiền của khách hàng và số lượng tài khoản có phát sinh nhận tiền lừa đảo ở các đơn vị đã giảm đáng kể. Cụ thể, số lượng vụ việc khách hàng bị lừa đảo mất tiền trong tháng 8 khoảng 700 vụ, giảm khoảng 50% so với số vụ việc trung bình 7 tháng năm 2024. Số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo trong tháng 8 khoảng 678 tài khoản, giảm khoảng 72% so với trung bình 7 tháng năm 2024. Đặc biệt, tại một số đơn vị đã không có phát sinh số lượng vụ việc trong thời gian tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua.

Giảm tài khoản ảo liên quan lừa đảo trên mạng

Việc quy định xác thực sinh trắc học đối với chủ tài khoản NH sẽ góp phần bảo đảm an toàn cho người dùng. Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, đánh giá cao quy định xác thực sinh trắc học và xác thực chính chủ tài khoản NH, ví điện tử… của hệ thống NH. Bởi việc giảm số lượng tài khoản không chính chủ sẽ khiến những kẻ lừa đảo không dễ dàng sử dụng nhiều tài khoản khác nhau để nhận tiền lừa đảo; sử dụng tài khoản không chính chủ xong rồi biến mất mà không sợ bị truy vết… Tuy nhiên, những kẻ lừa đảo luôn có nhiều chiêu trò để "vượt" được các quy định. Trong đó rất nhiều trường hợp người dùng bị lừa đảo là do cả tin và tự chuyển tiền; giao dịch qua mạng bị lừa hay vẫn nhấp vào đường link lạ, giả mạo nên bị chiếm quyền điều khiển điện thoại và kẻ gian tự chuyển tiền trong tài khoản đi nơi khác. Do vậy người dùng vẫn luôn nâng cao cảnh giác vì nếu không vẫn bị lừa.

Tài khoản ngân hàng không chính chủ sẽ bị ngừng giao dịch online- Ảnh 2.

Tài khoản ngân hàng không chính chủ sẽ không được chuyển tiền online từ đầu năm 2025

ẢNH: NHẬT THỊNH

Đồng tình, ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Công ty CP An toàn thông tin CyRadar, cho rằng việc xác thực tài khoản chính chủ hay xác thực sinh trắc học người dùng tài khoản NH, ví điện tử sẽ góp phần làm giảm số lượng tài khoản rác, tài khoản ảo. Tình trạng thuê, mượn CCCD để mở tài khoản NH và sử dụng vào các mục đích lừa đảo, tội phạm… sẽ giảm mạnh. Nhưng điều đó cũng chưa chắc làm giảm các vụ lừa đảo qua mạng. Trên thực tế, nhiều người bị lừa đảo là chủ động chuyển tiền cho kẻ lừa đảo vì tin tưởng, vì bị đe dọa hay vì lòng tham để nhận được quà, thưởng có giá trị lớn hơn… Khi đó, chính chủ là người thực hiện chuyển tiền online cho kẻ lừa đảo. Hay trong trường hợp kẻ lừa đảo bằng các cách giả mạo, thả vi rút để chiếm quyền điều khiển điện thoại di động lẫn thông tin tài khoản NH của người dùng thì cũng dễ dàng tự động chuyển tiền từ tài khoản chính chủ. Những trường hợp này không liên quan đến việc tài khoản chính chủ hay tài khoản ảo.

"Thực tế các dạng lừa đảo, tống tiền vẫn luôn tồn tại và phát sinh theo nhiều kiểu khác nhau. Trong đó, lừa đảo trực tuyến được kết hợp từ nhiều yếu tố, từ xây dựng kịch bản đánh vào lòng tham, sự nhẹ dạ; và thứ hai là sử dụng công nghệ như xây dựng các trang web, hoặc các trang fanpage mạo danh… Đồng thời, kẻ lừa đảo sẽ thực hiện kết nối với người bị hại qua các kênh gồm nhắn tin, chat, tin nhắn SMS hoặc gọi điện. Như vậy, tài khoản NH chỉ là một phương tiện cuối cùng để kẻ gian nhận tiền từ nạn nhân. Việc xác nhận tài khoản chính chủ, xác thực sinh trắc học chỉ góp phần làm giảm số lượng tài khoản ảo. Từ đó cũng giảm bớt phương tiện sử dụng trong các vụ lừa đảo nhưng không phải là giải pháp chính. Để tránh bị sụp bẫy lừa đảo thì bản thân người dùng luôn cảnh giác, thận trọng khi giao dịch, nhất là các giao dịch qua mạng hay liên quan đến chuyển tiền", ông Nguyễn Minh Đức chia sẻ.

Theo NHNN, việc xác thực tài khoản chính chủ từ ngày 1.1.2025 là điều kiện để đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử (Internet Banking, Mobile Banking) để chuyển tiền online. Không phải mọi giao dịch đều phải thực hiện xác thực sinh trắc học (xác thực khuôn mặt) mà chỉ khi nào khách hàng chuyển khoản online từ 10 triệu đồng/lần trở lên hoặc 20 triệu đồng/ngày mới xác thực sinh trắc học theo Quyết định 2345 của NHNN (đã áp dụng từ ngày 1.7). Sau đó đến ngày 1.7.2025, các tài khoản NH sẽ bị ngừng giao dịch khi CCCD hết hạn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.