Tài liệu thư viện số bị... 'bịt'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
08/09/2018 07:39 GMT+7

Có thể số hóa tài liệu để lưu trữ, tuy nhiên thư viện lại không được phép phục vụ tra cứu tài liệu số hóa này. Đó là nguy cơ có thật của các thư viện.

Vừa phục vụ đã có thư phản đối
Số hóa thư viện, liên thông các thư viện số là vấn đề nan giải được nêu ra trong hội thảo đóng góp ý kiến dự luật Thư viện do Bộ VH-TT-DL tổ chức sáng 7.9 tại Hà Nội.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH-TT-DL), có một kỷ niệm khó quên với việc số hóa tài liệu và đưa lên khai thác trên mạng. Đó là khi Quỹ Bill & Melinda Gates hỗ trợ VN một dự án thư viện, trong đó có hợp phần số hóa một lượng tài liệu nhất định. “Khi các thư viện 40 tỉnh, thành vừa công bố tài liệu trên mạng thì có tác giả ở TP.HCM gọi điện và có thư cho Vụ Thư viện nói là vi phạm bản quyền. Thực tế nếu chỉ căn cứ nhu cầu bạn đọc mà đưa ra phục vụ là vi phạm rồi”, bà Ngà nhớ lại.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện VN, cũng bày tỏ băn khoăn: “Phải có truy cập mở cho hệ thống thư viện để cho phép thư viện liên thông và khai thác tư liệu của nhau. Không truy cập mở được thì không thể phục vụ trên mạng được. Phải giải quyết cái này thì mới có thể phát triển, nếu không thì không thể thực hiện công nghệ 4.0 được”.

Theo luật Xuất bản hiện nay, thư viện chỉ được số hóa với ý nghĩa là lưu trữ và bảo quản thôi chứ không được đưa ra phục vụ. Như thế là số hóa nhưng vẫn đóng cửa

Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện

Theo bà Ngà, hiện khai thác tài liệu số trong cả nước đang là vấn đề bạn đọc quan tâm. Họ có nhu cầu không nhất thiết phải đến thư viện mà ngồi nhà cũng khai thác được. Nhiều thư viện cấp tỉnh như Quảng Ninh, Lào Cai đã cho đăng ký bạn đọc trực tuyến, tuy nhiên số lượng tài liệu còn nghèo nàn. Về các tài liệu số mà bạn đọc thường khai thác nhiều nhất, bà Ngà cho biết: “Ở thư viện cấp tỉnh vẫn là tài liệu địa chí. Thư viện trường đại học thì chủ yếu là tài liệu nội sinh. Đó là tài liệu do giảng viên cũng như sinh viên, nghiên cứu sinh làm”.
Phân loại để công bố và thu phí
Ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VH-TT-DL), cho rằng công chúng luôn có tham vọng “muốn gì cũng được”, tuy nhiên không thể như vậy. “Không thể có chuyện cứ lên mạng thích tài liệu gì là tải về. Sẽ có tài liệu có thể tải, có tài liệu không, có tài liệu sẽ mất phí nếu tải về. Nói chung cần phải phân loại tài liệu phục vụ. Cái nào về thông tin chính sách nhà nước thì cho thoải mái, còn cái khác phải tính lại”, ông Thái nói.
Cũng theo ông Thái, phải tôn trọng luật bản quyền. Tác giả bán sách là bán bản in chứ không bán bản số hóa nên không thể tự do số hóa rồi cho tải về được. “Đẩy lên online là mất. Phải theo luật bản quyền. Không dùng luật Thư viện để đè luật về bản quyền được”, ông Thái nêu ý kiến.
Bà Ngà nêu một thực tế: “Theo luật Xuất bản hiện nay, thư viện chỉ được số hóa với ý nghĩa là lưu trữ và bảo quản thôi chứ không được đưa ra phục vụ. Nên nếu không có ngoại lệ cho thư viện thì rất khó. Hiện nay một số nước có những ngoại lệ cho thư viện. Nhưng luật Sở hữu trí tuệ của mình cũng không có ngoại lệ gì cho thư viện cả. Mà như thế là số hóa nhưng vẫn đóng cửa”.
Một vấn đề nữa cũng nảy sinh là việc đàm phán với các chủ thể quyền tác giả. Hiện tại, ở VN chưa có tổ chức đại diện quyền tập thể cho các xuất bản phẩm, như âm nhạc. Vì thế, nếu muốn thỏa thuận với các tác giả sách sẽ rất khó khăn. “Rất là nan giải, vì thỏa thuận tiền đó cũng không dễ gì vì chưa có barem nào đặt ra. Mình cũng khó tìm từng tác giả, cũng chưa có tổ chức đại diện bản quyền như trong lĩnh vực âm nhạc nên rất phức tạp”, bà Ngà nói.
Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà, nên có những quy định đặc biệt cho thư viện để vừa bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ vừa thúc đẩy được việc chia sẻ tư liệu. “Các sách dự án tài trợ của nhà nước, là sở hữu của nhà nước thì nên cho phép khai thác bản số hóa. Hiện tại các đề tài khoa học nhà nước trả tiền vẫn chưa cho công bố. Chúng tôi cũng đang đề xuất từ những nguồn do nhà nước trả tiền thì có thể tiếp cận miễn phí”, bà Ngà nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.