Tai nạn xảy ra tại đoạn đường qua xã Tân Đức (H.Hàm Tân, Bình Thuận). Ngoài 8 người chết, 7 người khác bị thương đang được điều trị tại bệnh viện.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 1 giờ 20 phút cùng ngày, chiếc xe khách loại 16 chỗ 86B-010.87 lưu thông trên QL1 từ Bình Thuận đi TP.HCM, đến Km 1767 (thuộc xã Tân Đức, H.Hàm Tân) thì tông trực diện vào ô tô tải 79N-0315 do Phan Thanh Tùng (29 tuổi, ngụ Khánh Hòa) lái chạy chiều ngược lại. Do va chạm quá mạnh, chiếc xe khách văng sang bên kia đường, quay đầu xe lại và biến dạng hoàn toàn; xe tải đầu móp nát. Hậu quả là 8 người chết và 7 người bị thương.
Xe khách lấn làn, chạy tốc độ 69 Km/giờ
Dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình tại Tổng cục Đường bộ VN cho thấy lúc 1 giờ 12 phút 29 giây, tốc độ của xe tải là 23 km/giờ, trước đó 10 giây, tốc độ xe tải là 60 km/giờ. Tốc độ của xe 16 chỗ lúc 1 giờ 11 phút 50 giây là 69 km/giờ, trước đó 1 phút, xe khách đang có tốc độ 80 km/giờ.
Danh sách các nạn nhân tử vong: Huỳnh Ngọc Bích (43 tuổi), Phạm Thị Lệ Thanh (49 tuổi), Lê Thanh Trúc (48 tuổi), Nguyễn Thị Mỹ Tiên (34 tuổi), Nguyễn Thị Chín (30 tuổi), Lê Khắc Tùng (14 tuổi), Phạm Thị Lệ Mai (49 tuổi, cùng ngụ H.Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận), Đặng Ngọc Quỳnh (21 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM).
Các nạn nhân bị thương: Nguyễn Đức Huy (7 tuổi), Võ Thị Thu Tâm (22 tuổi), Nguyễn Hoàng Phương Gia (11 tuổi, cùng ngụ TP.HCM); Phan Thanh Tùng (29 tuổi, tài xế xe tải), Lê Khắc Phụ (35 tuổi), Phan Thị Lệ Thủy (47 tuổi, cùng ngụ H.Hàm Thuận Bắc); Nguyễn Thanh Tiệp (31 tuổi, ngụ Lâm Đồng). |
Chiều ngày 21.7, sau khi đi thị sát hiện trường vụ tai nạn giao thông (TNGT), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn và Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đã làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận. Theo Phó giám đốc phụ trách Sở GTVT Bình Thuận Nguyễn Tấn Lê, căn cứ vào dấu vết hiện trường cho thấy xe khách 86B-010.87 đã lấn đường, đi không đúng phần đường. Đại tá Đinh Kim Lập, Phó giám đốc Công an Bình Thuận, cũng nhận định tương tự. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định được người điều khiển xe khách vào thời điểm xảy ra tai nạn, mặc dù thông tin ban đầu cho rằng người điều khiển là Lê Thanh Trúc.
|
Đoạn đường liên tục tai nạn nhưng không có dải phân cách
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tấn Lê dẫn lại hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng trên QL 1 qua Bình Thuận thời gian qua. Như ngày 9.9.2017, cách địa điểm tai nạn rạng sáng 21.7 khoảng 1 km xảy ra tai nạn khiến 2 người chết, 9 người bị thương giữa xe khách giường nằm và đầu kéo rơ moóc; ngày 26.7.2017, tại Km 1733 (H.Hàm Thuận Nam, cách gần 30 km) cũng có tai nạn khiến 2 người chết...; ngày 21.6.2016, tai nạn tại đoạn qua xã Hàm Cường (H.Hàm Thuận Nam) khiến 3 người chết 2 người bị thương, đến 22.5.2016 tại Km 1930+300 QL1 đoạn qua xã Hàm Minh (H.Hàm Thuận Nam) xảy ra tai nạn khiến 12 người chết và 24 người bị thương; ngày 2.6.2008 tại đoạn qua xã Tân Nghĩa (H.Hàm Tân) xảy ra tai nạn khiến 15 người chết, 31 người bị thương… Lý giải nguyên nhân, ông Lê cho rằng: “Đoạn đường xảy ra tai nạn chỉ rộng 12 - 13 m, không có dải phân cách cứng. Đặc biệt, khu vực này còn khoảng 47 km chưa có dải phân cách cứng. Đây là nguyên nhân dẫn đến TNGT “đối đầu” rất nghiêm trọng”.
Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động vận tảiChiều 21.7, Thủ tướng Chính phủ có công điện khẩn gửi UBND các tỉnh Bình Thuận, Quảng Ninh và Kon Tum - những địa phương liên quan 3 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết 18 người, bị thương 42 người thời gian gần đây.
Về vụ TNGT tại Bình Thuận, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân; tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô có thời hạn đối với nhà xe Anh Trinh, thanh tra toàn diện với nhà xe này; khẩn trương kiểm tra, làm rõ tình trạng mất tấm chống lóa trên QL1A qua địa bàn tỉnh để xử lý nghiêm.
Với vụ ô tô con lao xuống biển hôm 11.7, UBND tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ trách nhiệm của đơn vị thi công, tư vấn giám sát trong việc xây dựng và thực hiện phương án bảo đảm an toàn giao thông trong điều kiện vừa thi công, vừa khai thác; cũng như việc không tổ chức cảnh giới, cảnh báo, rào chắn phần phía giáp biển để xử lý nghiêm; xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư dự án, các cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh và TP.Hạ Long trong việc chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện các vi phạm trên.
Về vụ TNGT ngày 10.7 tại Kon Tum, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xem xét trách nhiệm của người trực tiếp điều khiển ô tô 36B-022.32, trách nhiệm của Công ty TNHH Tiến Hùng về việc để phương tiện hoạt động không đúng lộ trình đăng ký dẫn đến xảy ra vụ tai nạn; kiểm điểm trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng của tỉnh và các huyện có tuyến QL14C đi qua trong việc để ô tô 36B-022.32 và các phương tiện kinh doanh vận tải chạy không đúng lộ trình trong thời gian qua.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an có phương án tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm đối với xe chở khách, xe chở hàng hoạt động từ
21 giờ hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau; trường hợp phát hiện lái xe vi phạm nồng độ cồn hoặc chất ma túy thì làm việc với các cơ quan có liên quan để thực hiện tạm đình chỉ ngay hoạt động kinh doanh vận tải của nhà xe, chủ xe kinh doanh vận tải. Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ tăng cường giám sát thông tin qua thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô, kịp thời cung cấp dữ liệu cho các lực lượng của ngành công an và sở GTVT để xử lý nghiêm... UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo siết chặt công tác quản lý và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn...
Mai Hà - Chí Hiếu
|
Bình luận (0)