(TNO) Một bộ hài cốt 6.500 năm tuổi khá hoàn chỉnh được tìm thấy cách đây 85 năm đã bị quên lãng trong viện bảo tàng. Đến lúc dọn dẹp viện bảo tàng, người ta mới tình cờ phát hiện.
|
Vào năm 1929 hoặc 1930, Sir Leonard Woodley, một nhà khảo cổ học, lãnh đạo nhóm nghiên cứu từ Bảo tàng Penn và Bảo tàng British khai quật vùng Lưỡng Hà, thuộc khu vực Ur, miền nam Iraq. Tại đây họ đã phát hiện 48 ngôi mộ cổ có niên đại thời Ubaid của vùng cận đông cổ đại.
Woodley cùng các đồng nghiệp đã tìm thấy một bộ hài cốt được cho là cực kỳ hiếm vì có niên đại đến 6.500 năm. Họ đã bọc bộ xương bằng sáp rồi chuyển về London (Anh quốc) để kiểm tra, và điểm đến cuối cùng để bảo quản là Philadelphia (Mỹ). Tại đây, bộ xương bị rơi vào quên lãng, người ta cũng chẳng thèm ghi chép hồ sơ, bộ xương cứ im lìm nằm trong một căn phòng nhỏ mà các nhân viên bảo tàng dường như không ngó tới.
Đến năm 2012, từ nỗ lực số hóa các hồ sơ về hiện vật khai quật ở Ur, người ta mới biết rằng Bảo tàng Penn đã nhận hai bộ xương do Woodley chuyển đến, trong đó một bộ xương có niên đại 2.000 năm và bộ xương thứ hai đến 6.500 tuổi.
Hãng tin UPI cho biết tiến sĩ William Hafford, người phụ trách số hóa các tài liệu, đã đặt tên cho bộ xương 6.500 tuổi là Noah. Lý do vì bộ xương này được tìm thấy trong vùng thường xuyên bị lũ lụt. Cái tên Noah bắt nguồn từ câu chuyện đại hồng thủy trong Kinh thánh. Tuy nhiên bộ xương thì lớn tuổi hơn nhiều so với Kinh thánh.
Tạ Xuân Quan
>> Phát hiện di tích khảo cổ thời đồ đá cũ
>> Di tích khảo cổ cấp quốc gia bị xâm hại
>> Mưu đồ xâm lấn đội lốt khảo cổ
>> Hỗ trợ khảo cổ học dưới nước
Bình luận (0)