Công thức hoàn thành mục tiêu
Theo anh Phan Văn Phương, Giám đốc Trung tâm R&D, Công ty TBS Group, chúng ta cần phân biệt giữa mục tiêu, kế hoạch, hay tầm nhìn, cụ thể: “Mục tiêu thì không cần đặt ra quá dài, tầm nhìn thì mới cần dài hạn. Chẳng hạn tầm nhìn đất nước thì 50 năm, 30 năm, tầm nhìn doanh nghiệp thì cần 20 năm, 10 năm. Mục tiêu thì khoảng 5 - 10 năm được tính là dài hạn, 3 - 5 năm là trung hạn, 1 năm là ngắn hạn... Với những mục tiêu dài hạn có thể thay đổi theo từng năm hoặc tùy theo điều kiện bên ngoài tác động mà điều chỉnh cho phù hợp”.
Theo anh Trần Anh Tuấn, người sáng lập Connecting Coach, chia sẻ: “Một trong những lỗi cơ bản của việc đặt mục tiêu là: muốn làm quá nhiều, quá nhanh ngay từ lúc mới bắt đầu. Chẳng hạn đặt mục tiêu cho năm 2019, thì tháng 1 làm quá nhiều việc, khiến cho cơ thể và tâm trí bị áp lực ngay từ đầu, nên dễ dẫn đến quá tải, nản”.
Anh Tuấn chia sẻ thêm, việc kiểm tra tiến độ thường xuyên mới quan trọng. Mình hay dùng công thức SMARTER để đặt mục tiêu. Trong đó: Specific là cụ thể, mục tiêu càng cụ thể càng tốt. Measurable là có thể đo lường. Actionable là có hành động cụ thể, mình phải liệt kê các hành động làm hằng ngày để đạt được mục tiêu. Realistic là có tính thực tế cao, nằm trong khả năng đạt được và điểm mạnh của mình. Time-tracking là có kiểm tra tiến độ thường xuyên. Emotion là cảm xúc, liên quan tới cảm xúc tích cực. Nếu mục tiêu của mình gắn liền với cảm xúc tích cực thì mình sẽ có động lực muốn làm hơn. Cuối cùng là Ritual, đó là nghi lễ hằng ngày. Đây là lúc mình thiết lập và xác định những hành động nhỏ hằng ngày. Hành động nhỏ cần hướng tới mục tiêu. Nếu hành động lớn quá thì dễ bị quá tải và không làm được.
Gom góp từ những việc nhỏ
Thạc sĩ Phạm Nguyễn Sơn Tùng, Co-Founder của Big -O Coding, đưa ra lời khuyên: “Các bạn trẻ nên lập mục tiêu trong khoảng thời gian 1 hoặc 2 năm, không nên lập mục tiêu quá xa. Quan trọng là mục tiêu phải được chia ra đến mức nhỏ nhất có thể chứ không phải lập xong để đó. Chẳng hạn bạn đưa ra một mục tiêu sẽ hoàn thành trong 1 năm, nên chia ra mỗi tháng phải hoàn thành bao nhiêu phần trăm. Từng tuần, từng ngày làm những gì… cuối năm sẽ hoàn thành. Mỗi năm tôi làm hướng dẫn cho rất nhiều bạn sinh viên. Tôi thấy “bệnh” chung của các bạn là "sợ" và mất tập trung nên khó hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Sợ là nghĩ mình làm không được, sợ không khả thi, sợ người ta cười. Mất tập trung là không thể làm việc trong thời gian dài, hay bị phân tâm nếu có công việc khác chen ngang là quên đi mục tiêu ban đầu luôn. Để khắc phục, thời gian đầu tôi hay cho các bạn làm những dự án nhỏ để các bạn ấy hoàn thành. Từ đó cho các bạn thấy mục tiêu chung là gom góp từ những việc nhỏ. Càng sợ thì càng phải làm, nếu sợ mà không làm thì 0% thành công. Nếu làm thì tệ lắm cũng có 1% thành công”.
Phải tự ý thức về bản thân mình. Chánh Trần, một blogger về ẩm thực, chia sẻ: “Mỗi người phải biết mình nên làm gì và cần làm gì. Dù không có thời gian làm việc cụ thể, tuy nhiên sau nhiều năm tôi luyện được thói quen lập trình như máy, chạy sẵn không thể ngừng được. Mỗi cuối tuần tôi sẽ lập danh sách những thứ cần phải làm trong tuần tới. Thỉnh thoảng có những lần chen ngang do hợp đồng của khách hàng, tuy nhiên, mình vẫn phải hoàn thành mục tiêu của bản thân bằng bất cứ giá nào”.
Bình luận (0)