'Tại sao bằng tuổi nhưng họ lại thành công hơn mình'?

Thảo Phương
Thảo Phương
03/03/2023 16:25 GMT+7

Không ít gen Z luôn tự cho rằng bản thân mình kém cỏi, chẳng bằng ai khi tự so sánh hay bị so sánh với bạn bè đồng trang lứa. Ở mỗi độ tuổi sẽ có một cuộc đua vô hình khác nhau, đó là về điểm số, lương bổng, địa vị, gia đình… những điều này vô tình sẽ tạo nên áp lực nặng nề cho mỗi người.

Cách để gen Z vượt qua áp lực đồng trang lứa - Ảnh 1.

Gen Z đối mặt với những áp lực đồng trang lứa

THẢO PHƯƠNG

Áp lực đồng trang lứa

Áp lực với bạn bè đồng trang lứa là một dạng sức ép tâm lý khi chính bản thân hoặc người khác so sánh mình với người khác về ngoại hình, năng lực, điểm số, địa vị... Từ đó nảy sinh những áp lực và cảm xúc buồn bã, chán nản. Nhiều người cứ mải mê chạy theo những chuẩn mực vô hình, chăm chăm nhìn vào sự thành công của người khác để làm thước đo mà vô tình quên đi mục tiêu, giá trị của bản thân. Hậu quả là áp lực, căng thẳng, không thể thoát ra khỏi những cảm xúc tiêu cực.‏

‏Áp lực đồng trang lứa xuất hiện mọi lứa tuổi và càng lớn thì những áp lực đó càng tăng lên. "Ở mỗi giai đoạn mình sẽ gặp những áp lực khác nhau. Đặc biệt là khi chuyển từ bậc THPT lên đại học thì những áp lực như: điểm số, chọn môi trường học tốt đã hình thành nên một áp lực rất lớn. Khi được học tập trong môi trường tốt, nhìn thấy bạn bè tài năng, học tập xuất sắc càng làm mình áp lực. ‏‏Mỗi lần như vậy, cảm giác bị thua kém là khó tránh khỏi. Từ đó, động lực trong mình cũng mất dần‏‏", Đoàn Thị Ý Nhi, sinh viên ngành quản trị khách sạn, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) chia sẻ.‏

‏Cô nàng gen Z cho biết thêm việc áp lực với bạn bè đồng trang lứa khiến bản thân mất đi động lực để học tập, làm việc giảm năng suất. ‏‏"Mình cứ bị tập trung vào những bạn tốt hơn và sẽ cứ mãi bị áp lực như vậy, thay vì nhìn nhận những điểm tốt của bản thân để ngày một phát triển hơn", Nhi nói.‏

‏Từng là một sinh viên xuất sắc, hầu như kỳ nào cũng nhận học bổng khuyến khích học tập. Thế nhưng vì áp lực khi thấy bạn bè cùng trang lứa bắt đầu đi làm kiếm tiền tự chăm lo cho bản thân và giúp đỡ gia đình, Lê Thị Thu Phương, sinh viên năm cuối Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM đã rơi vào những tháng ngày căng thẳng vì nghĩ rằng bản thân kém cỏi. Cũng vì vậy mà Phương đổ bệnh, phải ngưng học 2 học kỳ liền để điều trị tâm lý. ‏

‏Tương tự, Lê Thị Thu Hà (24 tuổi, ở trọ tại đường số 10, khu phố 3, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ: "Mỗi lần lướt Facebook thấy bạn bè khoe số dư tài khoản, khoe điện thoại xịn, xe sang, xây nhà cho ba mẹ thì mình rất ganh tỵ, từ đó nảy sinh những ngờ vực về năng lực của bản thân. Tại sao bằng tuổi nhưng họ lại thành công hơn mình? Còn mình thì vẫn làm công ăn lương, ở nhà trọ và chạy ăn từng bữa. Đó là còn chưa kể đến việc bằng tuổi mình bạn bè có đứa đã lấy chồng, đã có 2 con và có một gia đình hạnh phúc còn mình thì chưa có người yêu. Từ đó, cũng dẫn đến áp lực phải kiếm được người phù hợp, đẹp trai, có điều kiện chứ không lại mang tiếng "kén cá chọn canh" mà cuối cùng ấy phải người không ra gì".‏

Đừng vội so sánh mình với người khác

‏Theo thạc sĩ tâm lý Võ Minh Thành, giảng viên ‏‏khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM,‏‏ áp lực với bạn bè đồng trang lứa chủ yếu ở độ tuổi từ 16 đến 25. Nguyên nhân là do ở độ tuổi này các bạn hay so sánh mình với người khác. "Khi chưa kịp nhìn ra được điểm mạnh điểm yếu của bản thân đã vội so sánh mình với những người khác thành công hơn thì rất dễ dẫn đến lo lắng, áp lực", thạc sĩ Thành cho hay.

Cách để gen Z vượt qua áp lực đồng trang lứa - Ảnh 2.

Thạc sĩ tâm lý Võ Minh Thành

NVCC

‏‏‏Thạc sĩ Thành cũng chỉ ra hậu quả nếu bạn cứ mải chạy theo thành công của người khác ‏‏sẽ dẫn đến khó ngủ, luôn bồn chồn, lo lắng... Rồi cảm giác rằng bản thân không phù hợp với nơi mà mình đang sống và làm việc. Thay đổi hành vi một cách vô thức, làm những việc mà bản thân không muốn. Đặc biệt nhất là luôn đặt bản thân vào một chiếc cân, tự so sánh mình với mọi người và sau đó tự hạ thấp giá trị bản thân.‏

‏Để "cởi bỏ" áp lực, thạc sĩ Thành đưa ra lời khuyên: "Trước tiên cần thấu hiểu và tin tưởng bản thân. Hãy tạm bỏ đi những lời nói ngoài kia và dành một khoảng không gian riêng cho chính mình. Thử lắng nghe xem bản thân mình muốn gì, có thể làm được gì và cần làm gì để hiện thực hóa mong muốn đó".

Thạc sĩ Thành cũng cho rằng: "Biết cách lắng nghe và tiếp thu có chọn lọc vì áp lực với bạn bè đồng trang lứa không phải hoàn toàn tiêu cực, ‏đôi khi sự so sánh đó khiến cho bạn nhận ra khuyết điểm của bản thân và sửa chữa chúng. Nhưng nó chỉ thật sự phát huy hiệu quả khi bạn biết rằng điều gì đáng để lắng nghe, nhận xét của ai là đáng để tiếp thu. Cuối cùng, cần hiểu rằng ai cũng có lựa chọn riêng, điều người khác làm là những sự việc đang diễn ra trong cuộc sống của họ. Còn việc của bản thân sẽ tác động trực tiếp đến hiện tại và tương lai của chính mình".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.