Tại sao các lỗi phần mềm máy tính được gọi là 'bug'?

22/07/2024 08:38 GMT+7

Khi một lỗi phần mềm hay hỏng hóc trong chương trình hoặc hệ thống máy tính xảy ra, cho kết quả không chính xác hoặc hành xử theo những cách không lường trước được, người ta hay gọi đó là "bug".

Vậy thuật ngữ "bug" từ đâu được sinh ra? Để tìm hiểu điều này, chúng ta cần quay ngược thời gian trở về năm 1947, đến Đại học Harvard (Mỹ), nơi có một chiếc máy tính khổng lồ chiếm trọn một căn phòng mang tên Mark II.

Tại sao các lỗi phần mềm máy tính được gọi là 'bug'?- Ảnh 1.

"Bug" xuất phát từ một thuật ngữ được bà Hopper sử dụng trong sổ ghi chép lỗi của Mark II

CHỤP MÀN HÌNH

Chỉ sau một đêm hoạt động và không có cảnh báo, Mark II bắt đầu tạo ra những kết quả sai. Các nhà khoa học phụ trách hệ thống nhanh chóng bắt đầu điều tra nguyên nhân gây ra lỗi này, trong số đó có Grace Hopper - một nhà toán học và sĩ quan Hải quân Mỹ. Bà được biết đến nhiều nhất qua công trình phát triển hệ thống Mark II và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các ngôn ngữ lập trình và trình biên dịch đầu tiên, chẳng hạn như COBOL vẫn được sử dụng trong nhiều môi trường kinh doanh và quân sự.

Sau một cuộc điều tra toàn diện, nguồn gốc của sự cố đã được phát hiện liên quan đến một con bướm đêm. Con bướm này đã chui vào bên trong máy tính và gây ra hiện tượng đoản mạch ở một trong các rơle. Do vấn đề vật lý này, máy tính đã đưa ra kết quả không chính xác.

Vào thời điểm đó, với những hệ thống như Mark II, có một sổ ghi chép ghi lại các lỗi. Lịch sử nói rằng chính Hopper đã lấy con bướm đêm ra và dán nó vào sổ ghi chép này. Bên cạnh con bướm đêm, Hopper đã viết thuật ngữ "bug" như ám chỉ một con bướm chui vào máy tính và gây ra trục trặc.

Ngày nay thuật ngữ "bug" được sử dụng cho bất kỳ lỗi máy tính nào, cho dù đó là trục trặc hệ thống hay mã. Từ "bug" được sử dụng để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kỹ lưỡng khi điều tra một vấn đề. Nó cũng là một biểu tượng để nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả một lỗi rất nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả lớn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.