Tại sao cây táo lại nở hoa?

29/12/2023 04:10 GMT+7

"Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa. Tại sao cây táo lại nở hoa?". Trong dòng chảy của thời gian, khi đi đứng trong cõi nhân gian, đôi lúc từ thâm tâm của mỗi chúng ta lại vọng về câu hỏi của nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ. Sở dĩ hỏi, bởi áp lực cơm áo gạo tiền lẫn đối nhân xử thế khiến ta chùng lòng.

Cảm thấy chung quanh mình, nhịp sống của mình lẫn lộn quá nhiều gam màu, vậy đâu là sắc màu tươi sáng, lạc quan để ta có thể hướng đến? Muốn thế, phải có "phép thử" từ dư luận xã hội.

Đây chính là suy nghĩ của tôi khi nhìn về cuộc thi Sống đẹp do Báo Thanh Niên tổ chức. Có một điều khiến tôi hết sức ngạc nhiên là tại sao đã trải qua 3 lần, mà lần nào cuộc thi cũng lôi cuốn số lượng người tham dự đến mức "khủng", chẳng hạn lần này có đến 695 bài viết của bạn đọc cả nước (trong thời hạn dự thi từ ngày 21.4 - 31.10.2023). Bên cạnh đó, các nhà tài trợ vẫn đồng hành cùng chủ trương của Báo Thanh Niên.

Lý giải thế nào?

Chỉ có thể nghĩ rằng, chúng ta đang sống trong thời đại giao lưu văn hóa đa dạng, đa chiều, vậy, liệu chừng chúng ta "hội nhập" hay "hòa tan"? Sẽ còn giữ được hay đánh mất bản sắc văn hóa? "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" (Hồ Chí Minh), thấu hiểu tầm quan trọng của lời dạy này, hơn bao giờ hết mỗi công dân Việt đều ý thức dự phần trách nhiệm, chứ không thể bàng quan đứng ngoài.

Chắc chắn Báo Thanh Niên đã dự cảm điều này, khi tổ chức Sống đẹp. Ngay lập tức cuộc thi đã tạo ra tiếng vang trên cả nước, bởi đây còn chính là dịp để mỗi chúng ta không chỉ soi rọi lại lòng nhân ái của chính mình, mà còn nhìn ra chung quanh để thấy "cây táo lại nở hoa". Cái đẹp nở hoa từ lòng nhân ái dành cho nhau - vốn là biểu hiện của nếp sống/lối sống trở thành phẩm chất tốt đẹp trong cốt cách truyền thống văn hóa của con người VN.

Từ đó, hiệu quả lớn nhất từ cuộc thi này, chính là lúc đánh thức, khơi dậy, duy trì và biểu dương tinh thần mình vì cộng đồng. Chính yếu tố này, dân tộc ta đã đồng cam cộng khổ cùng đi qua mọi gian khó trong chiến tranh cũng như thời bình. Rồi, từ cuộc thi lần này, chúng ta thấy có nhiều, rất nhiều tấm lòng thiện nguyện sẵn sàng chia sẻ, san sớt cho hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Nhìn một cách sâu sắc, tấm lòng này là tiếp nối truyền thống: "Thấy người đau giống mình đau/Phương nào cứu đặng, mau mau trị lành" (Nguyễn Đình Chiểu), là lòng thương: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng"…

Thêm một điều mà tôi lấy làm ngưỡng mộ còn là những số phận dù khuyết tật, có thể khiếm thị, xương thủy tinh… nhưng rồi, họ đã vươn lên, từ đó còn giúp đỡ cho người khác. Tấm gương sáng ấy, nghị lực phi thường ấy đã cho thấy Sống đẹp được biểu hiện từ nhiều góc độ khác nhau, tùy theo hoàn cảnh, số phận nhưng ai ai cũng thực hiện được, nếu biết sống đẹp.

Dù đã trao giải lần 3 nhưng cuộc thi Sống đẹp lần 4 vẫn đang tiếp tục khởi động. Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, cho biết chủ đề tiếp theo sẽ là "San sẻ yêu thương". Như vậy, hành trình tìm về lòng nhân ái - một giá trị văn hóa bất biến của con người VN vẫn đang tiếp tục.

Qua cuộc thi lần này và sắp tới, hẳn chúng ta càng thấm thía, tâm đắc với câu châm ngôn: "Thà đốt một que diêm, còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối". Từng con người, từng số phận, từng việc làm thiện nguyện mà chúng ta đã gặp, đã biết đến trong cuộc thi Sống đẹp - nói một cách văn vẻ, họ chính là những "que diêm" đã được thắp sáng. Ngọn lửa ấy không lụi tàn, ngày càng sáng hơn, từ đó, chúng ta càng thêm ấm áp tình người. Để rồi tự lòng mình đã tìm ra câu trả lời: "Tại sao cây táo lại nở hoa?".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.