Đột phá cho điện mặt trời tự sản, tự tiêu
Bộ Công thương đang lấy ý kiến cho dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phát triển điện mặt trời (ĐMT) mái nhà tự sử dụng theo hướng tự sản, tự tiêu. Trong đó, có nhiều quy định đột phá hỗ trợ và khuyến khích cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển hệ thống ĐMT mái nhà. Chẳng hạn, được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện, giảm hoặc miễn một số loại thuế, phí, vay vốn với lãi suất ưu đãi… Công suất của hệ thống ĐMT mái nhà lắp đặt theo dự thảo quyết định này là "không giới hạn" và theo đúng chủ trương của Quy hoạch Điện 8 tại Quyết định 500 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 15.5.2023.
Ngay khi có dự thảo, ngày 20.6, nhiều ý kiến thắc mắc gửi về Báo Thanh Niên rằng có nhiều quy định cần rõ ràng hơn mà dự thảo chưa đề cập. Chẳng hạn, định nghĩa rõ hơn nguồn điện tự sản, tự tiêu. Lượng điện khi sử dụng rồi, thừa ra được "đối xử" thế nào? Chặn lại hay vẫn để lên lưới miễn phí, hay cho phát và tính tiền ở mức nào đó…?
Ông Võ Thúc Đồng, Giám đốc Dong Corporation, đề nghị thêm ngay quy định từ ngữ là trụ sở văn phòng đại diện không bao gồm các trụ sở có hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại.
"Theo tôi hiểu cụm từ "không bao gồm" trong dự thảo có nghĩa là các văn phòng đại diện không được lắp đặt pin trên mái nhà máy đang có hoạt động sản xuất ở dưới; không được lắp trên mái nhà siêu thị vì đang có kinh doanh thương mại hoặc trên mái nhà của khu chăn nuôi gia cầm, gia súc hoặc nuôi trồng thủy sản? Tóm lại là chúng tôi có được lắp trên các mái nhà của nhà máy, nhà xưởng, kho hàng, siêu thị, nhà hàng, quán ăn, khu chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản… theo dự thảo quyết định này không?", ông Đồng nói.
Thắc mắc của ông Đồng cũng là của nhiều người khi đọc dự thảo cơ chế phát triển ĐMT tự sản, tự tiêu. Tuy vậy, trong khi chờ có cơ chế đột phá mà dự kiến mất thời gian dài nữa, vấn đề cấp bách hiện nay là một cơ chế bán điện giữa các hộ gia đình, trong cộng đồng nhỏ cần được quan tâm hơn.
Gia đình lắp ĐMT mái nhà để sử dụng, thừa công suất, muốn bán cho hàng xóm thì phải làm gì, đến nay vẫn đang chờ... cơ chế. Trong khi đây là một phần quan trọng trong lộ trình phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, mà theo kế hoạch phải thí điểm thành công trong giai đoạn 2021 - 2023.
Sau năm 2023, phải thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh. Thế nhưng, trong bối cảnh nhiều vấn đề "nóng" đối với ngành điện như nguồn cung thiếu, chuyển tải từ nam ra bắc hết công suất, "hạn chót" thị trường bán lẻ điện cạnh tranh cận kề…, việc Bộ Công thương chậm ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp là điều khiến doanh nghiệp và người dân sốt ruột.
Đặc biệt, đối với các hộ gia đình, hộ kinh doanh đang có nhu cầu mua bán điện trực tiếp với nhau. Nhiều hộ gia đình ở phía nam cho biết việc thừa công suất ĐMT mái nhà, đã không phát lên lưới nhưng muốn bán, chia sẻ cho những hộ gia đình có nhu cầu xung quanh vẫn khó khăn vì chưa có cơ sở pháp lý nào để các hộ gia đình áp dụng. Đây là nguồn năng lượng quý giá bị lãng phí trong bối cảnh điện đang thiếu trầm trọng tại khu vực miền Bắc.
Xem nhanh 12h ngày 21.6: Bản tin thời sự toàn cảnh
Cơ chế bị bỏ quên, nguồn điện lãng phí
Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, cũng nhận xét cơ chế "bán điện cho nhà hàng xóm" quá chậm triển khai, và những đề xuất, sửa đổi các quy định pháp lý hầu như chưa thấy. Vì vậy, Bộ Công thương cần sớm hoàn thiện các cơ sở pháp lý liên quan để đẩy nhanh cơ chế bán lẻ điện trực tiếp. Luật chưa cho phép thì nên cần sửa chữa các quy định liên quan để xây dựng mô hình bán lẻ điện quy mô nhỏ này.
"Quan trọng là đã có chủ trương, nhưng cho phép hộ gia đình bán hay không, bán thế nào, cần nói rõ ràng và nhanh hơn. Bởi hiện tại luật Điện lực chưa cho phép; nếu có quy định, trong cộng đồng dân cư có thể áp dụng mua bán được ngay. Liên quan việc lắp ĐMT mái nhà được phát lên lưới và bán cho Tập đoàn Điện lực VN (EVN) trước đây, thường EVN lắp công tơ đấu nối hai chiều. Nay không phát lên lưới, bán cho hàng xóm thì việc đấu nối thế nào, số tiền bán điện cho hàng xóm đó có phải khai, đóng thuế không? Hộ gia đình bán điện cho hàng xóm đó có bị yêu cầu giấy phép hoạt động điện lực không? Theo tôi, để khuyến khích phát triển ĐMT theo hướng tự sản, tự tiêu hay chia sẻ, bán cho hàng xóm trong khi nguồn cung điện đang thiếu, Bộ Công thương phải gấp rút có cơ chế thí điểm bán lẻ điện, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan. Trong đó, có các quy định tiêu chuẩn liên quan về cháy nổ, an toàn.. Việc bán điện được thực hiện tại chỗ, không dính dáng đến EVN, không đụng lưới điện của EVN và đang có sẵn, lẽ ra nên được triển khai thực hiện sớm".
Tỏ ra sốt ruột, ông Hà Đăng Sơn nhấn mạnh: "So với lộ trình, thị trường bán lẻ điện được triển khai khá chậm. Năm 2023 phải triển khai thí điểm xong xuôi rồi, đằng này đã nửa năm 2023 vẫn chưa có. Quy hoạch Điện 8 là định hướng phát triển, không phải là cơ sở pháp lý, nhưng việc xem xét đôn đốc triển khai cơ chế bán lẻ điện cần làm gấp hơn sau khi đã có quy hoạch định hướng rõ ràng. Thí điểm là trong cộng đồng dân cư có thể mua bán điện với nhau...".
Ngoài ra, ở quy mô lớn hơn, trong kiến nghị hồi tháng 5, EVN từng đề xuất Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) xem xét, yêu cầu các khách hàng đấu nối lưới cấp điện áp 110 kV trở lên phải trực tiếp mua điện trên thị trường điện để từng bước triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh theo đúng lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong thực tế, số lượng khách hàng đấu nối lưới cấp điện áp 110 kV trở lên không nhiều nhưng lại chiếm sản lượng lớn, khoảng 40 - 45% nhu cầu điện quốc gia. TS Trần Văn Bình, chuyên gia năng lượng mặt trời, cho rằng nếu cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) được ban hành, các khách hàng lớn sẽ không cần phải mua lại điện từ EVN như hiện nay, có thể mua trực tiếp và với nhiều mức giá khác nhau theo thỏa thuận. Giá được mua theo từng khung giờ. Bên cạnh đó, ngay các hộ đầu tư ĐMT cũng dễ dàng bán cho các đơn vị khác, gia đình khác, nếu có nhu cầu.
"Cơ chế DPPA giúp tận dụng nguồn điện đã có tại các dự án ĐMT mái nhà của các nhà xưởng mà doanh nghiệp đầu tư để sử dụng, nhưng thừa công suất, không phát lên lưới có thể bán cho các đơn vị khác có nhu cầu; hoặc các hộ đầu tư sử dụng, nếu dư cũng có thể bán cho hàng xóm, giúp giảm tải rất lớn cho ngành điện. Một cơ chế lẽ ra phải có sớm và cấp bách hơn trong bối cảnh hiện nay, đã có chủ trương, có ý kiến của Chính phủ, kiến nghị nhiều lần của EVN đến nay vẫn chưa có. Dường như cơ chế này… đang bị bỏ quên", TS Trần Văn Bình nhận xét.
Nếu DPPA được thí điểm ở VN, sẽ là bước hiện thực hóa các cam kết quốc tế của VN tại COP26. Chính phủ cần cho phép một cơ chế thí điểm vượt qua khuôn khổ của pháp luật, diễn ra trong một quy mô và thời gian xác định. Sau đó mới có thể nhân rộng, thậm chí là sửa đổi luật pháp. Vấn đề là quyết gấp, làm sớm, càng chậm ngày nào, ngành điện càng chật vật ngày đó.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh
Bình luận (0)