Tại sao đa số cán bộ một cửa vẫn yêu cầu công dân xuất trình giấy xác nhận về cư trú?

Ngọc Lê
Ngọc Lê
28/02/2023 19:02 GMT+7

Đa số cán bộ ở bộ phận một cửa còn lúng túng, cán bộ tư pháp còn yêu cầu công dân xuất trình giấy xác nhận thông tin về cư trú khi tiếp nhận giải quyết hồ sơ, gây phiền hà cho người dân.

Ngày 28.2, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết đánh giá tình hình, kết quả triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia (tức Đề án 06) giai đoạn năm 2022 - 2025, phương hướng thực hiện trong năm 2023 và tầm nhìn đến 2030.

Tại sao đa số cán bộ một cửa vẫn yêu cầu công dân xuất trình giấy xác nhận về cư trú? - Ảnh 1.

Thượng tá Nguyễn Minh Thơ phát biểu tại hội nghị

Ngọc Lê

Tại hội nghị, thượng tá Nguyễn Minh Thơ, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) - Công an TP.HCM báo cáo, các sở, ban, ngành trên địa bàn TP.HCM đã chủ động phối hợp trong triển khai và thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06 như: làm sạch dữ liệu tiêm chủng, dữ liệu bảo hiểm, tạo tài khoản cho các cơ sở khám chữa bệnh, thực hiện số hóa và làm giàu dữ liệu.

Theo thượng tá Thơ, thời gian qua, Ban Chỉ đạo Đề án 06 đã tổ chức nhiều lượt kiểm tra việc sử dụng các phương thức khai thác thông tin về cư trú tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công (bộ phận một cửa) đối với 4 đơn vị cấp huyện và 9 đơn vị cấp xã.

Qua kiểm tra, ghi nhận đa số cán bộ, công chức, viên chức tại bộ phận một cửa còn lúng túng, chưa thành thạo trong việc khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cán bộ tư pháp còn yêu cầu công dân xuất trình giấy xác nhận thông tin về cư trú (CT07, CT08) khi tiếp nhận giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận tình trạng hôn nhân (xác nhận độc thân, đăng ký kết hôn) đối với các trường hợp có quá trình cư trú biến động. Trong khi việc xác minh tình trạng cư trú là nghĩa vụ của cán bộ tiếp nhận giải quyết thủ tục. Điều này đã gây bức xúc trong nhân dân, dẫn đến việc các cơ quan báo chí thường xuyên phản ảnh về nội dung này.

Trước tình hình này, Công an TP.HCM kiến nghị Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan thường xuyên thực hiện công tác hướng dẫn, kiểm tra, chấn chỉnh và yêu cầu các đơn vị ngành dọc thực hiện nghiêm Nghị định 104/2021/NĐ-CP trong đó có các thủ tục liên quan như: Xác nhận độc thân, đăng ký kết hôn, cấp điện, nước và tuyển sinh... để hạn chế việc bắt công dân xuất trình giấy xác nhận thông tin về cư trú trước khi cấp giấy xác nhận. Đồng thời, Bộ Tư pháp cần chia sẻ, liên thông cơ sở dữ liệu chuyên ngành cho ngành dọc để phục vụ tra cứu thông tin giải quyết thủ hành chính nhất là xác nhận tình trạng độc thân và đăng ký kết hôn.

Đề nghị Bộ Công an tăng chỉ tiêu xác thực 

Công an TP.HCM cho biết, hiện TP.HCM còn hơn 56.000 dữ liệu học sinh cần xác thực thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tuy nhiên mỗi ngày Bộ Công an chỉ cho xác thực khoảng 200.000 dữ liệu trên cả nước, dẫn đến việc tồn đọng lớn ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn hóa dữ liệu chuyên ngành của Sở Giáo dục và Đào tạo. Đề xuất Bộ Công an tăng chỉ tiêu xác thực lên nhiều hơn và ưu tiên phê duyệt cho các đơn vị có dữ liệu cần phê duyệt lớn.

Ngoài ra, Công an TP.HCM cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các cục nghiệp vụ thường xuyên hỗ trợ, khắc phục kịp thời ngay khi xảy ra tình trạng mất kết nối đường truyền dữ liệu dân cư để đảm bảo công tác làm sạch dữ liệu, công tác cấp CCCD, định danh điện tử, chia sẻ thêm các trường thông tin công dân để bộ phận tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính có thể tra cứu và không yêu cầu công dân xuất trình thêm CT07.

Đến năm 2025, hành chính phải thực hiện trên nền tảng số

Kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị các đơn vị triển khai nhiệm vụ của Đề án 06 trong chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh. Đồng thời xem xét để tích hợp Ban Chỉ đạo Đề án 06 và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số lại để tinh gọn, hiệu quả.

Mục tiêu đến năm 2025, hành chính của chúng ta thực hiện trên nền tảng số, người dân ngồi ở đâu vẫn thực hiện được thủ tục trên nền tảng số của chúng ta. Ở đây phải có sự đầu tư để đạt mục tiêu, như mục tiêu kinh tế số đạt 25%, góp phần hình thành xã hội số, TP thông minh.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM

"Sau một năm triển khai kết quả có nhiều, cũng có những hạn chế. Tôi muốn nói chúng ta thực hiện đề án là phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn để đóng góp vào xây dựng chính quyền số thông minh, chứ không phải đứng nhất, đứng nhì với ai. Những hạn chế đó cần phải soi chiếu vào mình để có giải pháp khắc phục", ông Phan Văn Mãi yêu cầu.

Theo ông Mãi, hiện có 5 dịch vụ công còn chậm, tỷ lệ thấp so với cả nước, số hóa ở bộ phận một cửa tại các sở ngành, quận huyện chưa đạt yêu cầu. Năm 2022 đã có đà nhưng còn chệch choạc, năm 2023 đội hình đội ngũ phải ngon lành. Tổ giúp việc, tổ công tác phải rà soát, nhắc nhở hằng tuần, hằng quý. Khi nảy sinh vấn đề thì phối hợp, báo cáo ngay cho Trưởng ban Chỉ đạo để có điều tiết.

"Mục tiêu đến năm 2025, hành chính của chúng ta thực hiện trên nền tảng số, người dân ngồi ở đâu vẫn thực hiện được thủ tục trên nền tảng số của chúng ta. Ở đây phải có sự đầu tư để đạt mục tiêu, như mục tiêu kinh tế số đạt 25%, góp phần hình thành xã hội số, TP thông minh", ông Mãi kết luận.

Tại hội nghị nói trên cũng tuyên dương 35 tập thể, 69 cá nhân có thành tích trong công tác thực hiện đề án 06.

Theo Công an TP.HCM, Công an TP.HCM đã thực hiện các giải pháp làm sạch và làm giàu dữ liệu dân cư, tổ chức 3 đợt cao điểm thu nhận và cấp hơn 7 triệu thẻ CCCD gắn chip điện tử (xếp thứ 5 toàn quốc). Cấp tài khoản định danh điện tử mức 2 cho hơn 1,4 triệu/5,8 triệu tài khoản đạt 25,3%. Tỷ lệ giải quyết các thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công trực tuyến trung bình đạt 57,1%.

Đặc biệt, Công an TP.HCM đã triển khai nhiều mô hình Đề án 06 mang lại hiệu quả thiết thực, cụ thể như: Thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại các khu chung cư, nhà văn hóa, các trụ sở tiếp công dân; mô hình điểm tại các cơ sở khám, chữa bệnh về triển khai các nhóm tiện ích; mô hình điểm triển khai thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận thông báo lưu trú, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 14 tuổi thông qua mã định danh cá nhân, mô hình an sinh xã hội.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.