Tại sao hàng loạt các dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện liên tục bị đội vốn, lệ thuộc thiết bị nhưng Việt Nam vẫn mắc vào những nhà thầu đó?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) trả lời báo chí - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Đây là vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đặt ra khi trả lời báo giới bên hàng lang Quốc hội sáng nay 18.11, ngay sau khi các bộ trưởng và Thủ tướng hoàn thành phần trả lời chất vấn.
* Hôm qua ông đã đặt câu hỏi chất vấn về dự án nhà máy thép Thái Nguyên làm 10 năm chưa xong, dự án nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ đầu tư trên 1 tỉ USD hiện giờ đang đắp chiếu. Theo ông, hướng giải quyết các dự án không hiệu quả này nên như thế nào?
Vừa rồi chúng ta chỉ nói đến 2, 3 nhà máy thôi nhưng qua theo dõi báo chí những năm qua, tôi biết có tới hàng chục công trình như vậy. Những ví dụ này đặt ra một loạt các vấn đề chúng ta phải giải quyết.
Thứ nhất là vì sao anh để các nhà thầu họ chi phối anh đến như thế? Trong vụ việc nhà máy thép Thái Nguyên - một tập đoàn lớn của Trung Quốc, nếu họ đấu thầu sang những nước như Mỹ, Pháp, chắc họ không dám làm như thế. Tại sao ở đây sau một năm đòi tăng vốn gấp đôi? Tăng vốn có thể do giá vật liệu tăng, do đền bù giải tỏa chậm có lỗi của chúng ta nên phải tăng. Nhưng tăng rồi cũng không hoàn thành.
Ví dụ khác là vụ việc dư luận đã phản ánh nhiều như dự án đường sắt trên cao Hà Nội - Hà Đông. Dự án này đã tăng vốn nhiều, cuối cùng chúng ta cũng lệ thuộc vào thiết bị hàng hoá của họ... Vấn đề đặt ra không phải là việc các nhà máy này mà vì sao chúng ta để mắc vào những nhà thầu ấy? Thứ hai là rõ ràng ở đây sự tăng vốn này, nhân dân và cử tri cho rằng không loại trừ có thể là để bù đắp cho những lãng phí, tiêu cực trong các dự án đó.
Sáng nay, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã nói rất rõ là những công trình, dự án công hoặc liên quan đến tài sản nhà nước thất thoát là có tiêu cực. Thế thì sự tăng vốn này rõ ràng để bù đắp vào đó. Và nếu chúng ta không kiểm soát được, sự tăng vốn đó không biết bao giờ dừng lại!
Thứ ba, trong xử lý, khi thấy những cán bộ làm việc không ổn, chúng ta phải thay chứ. Các dự án lãng phí, ách tắc đến như thế thì chúng ta phải thay, phải xử lý trách nhiệm. Nếu chúng ta không xử lý trách nhiệm một cách nghiêm túc, tình trạng như vừa rồi sẽ luôn luôn xảy ra.
Cuối cùng, khi có vấn đề thì phải xem lại hiệu quả đến đâu. “Đâm lao phải theo lao” còn ý nghĩa gì nữa không? Như nhà máy gang thép Thái Nguyên, chúng ta có tiếp tục đổ vào hơn 4.000 tỉ nữa không khi người ta đã chứng minh giá thép đang xuống. Đặc biệt là thép Trung Quốc, với các hiệp định ký kết, sắp tới sẽ đổ vào Việt Nam với giá rẻ hơn. Chúng ta làm thì hiệu quả kém như thế, mỗi tháng phải chi ra 20 - 30 tỉ đồng, tức là hơn 1 triệu USD tiền lãi rồi. Nếu không hiệu quả, phải chấp nhận ngưng dự án. Điều đó phải được quyết định rất nhanh chóng, kiên quyết.
* Ông đánh giá như thế nào về phần trả lời chất vấn của các bộ trưởng?
Có những bộ trưởng trả lời rất tốt, ngắn gọn, số liệu đầy đủ. Có những bộ trưởng, có thể chuyên môn điều hành tốt nhưng việc trả lời giải trình không tốt lắm, dài dòng nhưng lại không đầy đủ. Đặc biệt có biểu hiện tránh né những vấn đề gai góc, sát sườn vì những câu hỏi (các ĐBQH đặt ra - NV) thực chất xuất phát từ đời sống của các tầng lớp nhân dân. Câu trả lời phải giải đáp được điều đó cho người dân chứ không chỉ cho các ĐBQH ở đây. Một số bộ trưởng chưa đáp ứng được yêu cầu đó.
Có những vấn đề mà một bộ trưởng không thể giải quyết được như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh sáng nay nói thì cũng nói ra đi. Hay có những vấn đề phần của bộ trưởng này đã làm xong, việc đấy là của bộ trưởng khác thì cũng cứ nói ra. Những vấn đề có vướng mắc về cơ chế chung hay do luật pháp cũng phải nói luôn. Như vậy, đồng bào, nhân dân cũng chấp nhận.
* Sau chất vấn, Quốc hội sẽ ra nghị quyết về chất vấn. Ông có hy vọng nghị quyết này sẽ có giá trị pháp lý cho các khoá sau để ĐBQH có thể theo đến cùng các vấn đề được chất vấn hay không?
Đúng là Quốc hội sẽ ra một nghị quyết, trong đó nêu hết những vấn đề và có đề xuất là Chính phủ, các bộ trưởng phải giải quyết. Nhưng cuối cùng vẫn là việc thực hiện và triển khai như thế nào. Tôi cho đó mới là cái quan trọng. Ví dụ như hôm qua, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói có nhiều vấn đề nhưng bộ trưởng hết nhiệm kỳ rồi nên để nhiệm kỳ sau. Xin nhắc lại là cuối cùng vẫn là làm gì và làm như thế nào để giải quyết các vấn đề được đặt ra. Còn nghị quyết thực ra chỉ là một phương tiện để chúng ta ghi nhận mà thôi!
Bình luận (0)