Theo CNBC, trong phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ kéo dài hai ngày hồi tuần trước, ông Powel cho biết việc loại bỏ trường hợp sử dụng tiền điện tử là động lực chính để Mỹ tung ra tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương (CBDC).
“Bạn sẽ không cần stablecoin, bạn sẽ không cần tiền điện tử, nếu bạn có tiền kỹ thuật số của Mỹ. Tôi nghĩ đây là một trong những lập luận mạnh mẽ để ủng hộ CBDC”, ông Powell nói.
Trong những năm qua, các ngân hàng trung ương và các nhà lập pháp Mỹ đã không ít lần phàn nàn về stablecoin, một tập hợp con cụ thể của tiền điện tử, có giá trị được gắn với tài sản trong thế giới thực, chẳng hạn tiền định danh (fiat) như USD hoặc một loại hàng hóa quý giá như vàng. Khi loại tiền điện tử phi chính phủ này được sử dụng nhiều hơn trong giao dịch trong nước và quốc tế, nó đã trở nên đáng sợ đối với các ngân hàng trung ương vì họ không có tiếng nói về cách không gian tiền điện tử được quản lý.
“Tôi hiểu tại sao họ sợ stablecoin. Tôi cũng có thể hiểu tại sao họ lại quan tâm về việc phần lớn hoạt động ngân hàng thương mại đang chuyển sang thế giới tiền tệ không có sự kiểm soát”, Nic Carter, đối tác sáng lập của Castle Island Ventures, nói.
Trả lời câu hỏi từ thượng nghị sĩ Pat Toomey trong buổi điều trần, ông Powell nói rằng vẫn chưa quyết định liệu lợi ích của đồng USD kỹ thuật số có lớn hơn chi phí vận hành hay không. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là Fed đã hoàn thành kế hoạch làm tán loạn stablecoin. “Ở nước này, chúng ta có truyền thống giữ tiền của công chúng trong những tài sản an toàn. Điều đó không tồn tại đối với các stablecoin. Nếu chúng trở thành một phần quan trọng của thế giới thanh toán, thì chúng tôi sẽ cần một khuôn khổ thích hợp, mà nói thẳng ra là chúng tôi không có”.
Stablecoin, CBDC và USD kỹ thuật số
Hiện tại, có một số loại USD kỹ thuật số (digital USD) khác nhau. Nằm trong các tài khoản ngân hàng thương mại trên cả nước là USD điện tử (electronic USD) được hỗ trợ một phần bằng cơ chế dự trữ, dưới một hệ thống gọi là ngân hàng dự trữ phân đoạn. Giống như tên gọi, ngân hàng sẽ dự trữ một phần nợ tiền gửi của ngân hàng. Việc chuyển tiền USD điện tử từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, hoặc từ quốc gia này sang quốc gia khác hoạt động trên các đường dẫn tài chính kế thừa.
Ngoài ra, còn có một loạt các stablecoin được chốt bằng USD, bao gồm Tether và USD Coin. Mặc cho các nhà phê bình nghi ngờ, Tether hiện vẫn là stablecoin lớn nhất thế giới. USD Coin được hỗ trợ bởi các tài sản được bảo lưu hoàn toàn, có thể đổi trên cơ sở 1: 1 với đồng USD và được điều hành bởi Center, một tập đoàn bao gồm các tổ chức tài chính được quản lý. USD Coin cũng tương đối dễ sử dụng.
Sau đó, sẽ có một loại USD kỹ thuật số giả định được thực hiện trong kế hoạch CBDC của Fed. Về cơ bản, loại tiền này không gì khác hơn là anh em song sinh dưới dạng kỹ thuật số của đồng USD truyền thống: được quản lý đầy đủ, đặt dưới sự quản lý của cơ quan trung ương, với sự tin tưởng và ủng hộ hoàn toàn của ngân hàng trung ương Mỹ. Tất cả các hình thức tiền điện tử nêu trên đều có lợi ích và hạn chế tương đối. Tuy nhiên, theo luận điểm của ông Powell thì CBDC là đối thủ của stablecoin.
Song, Alyse Killeen, người sáng lập và đối tác quản lý của công ty liên doanh tập trung vào Bitcoin Stillmark, cho rằng tiền kỹ thuật số do Fed phát hành sẽ không có cách nào làm giảm giá trị của tiền điện tử. “Nhiều người nhận ra họ mất quyền tự chủ trong sử dụng tiền tệ truyền thống do nhà nước quản lý. Một trải nghiệm tương đối phổ biến là bị chặn thực hiện giao dịch qua chuyển khoản ngân hàng, thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng. Tiền kỹ thuật số do Fed phát hành có khả năng sẽ có tình trạng tương tự như thế”.
Tại sao stablecoin lại đáng sợ?
Có rất nhiều lý do để Fed không hài lòng về sự gia tăng của stablecoin. Đầu tiên, họ lo ngại về việc mất quyền kiểm soát tiền tệ. Facebook có kế hoạch tung ra stablecoin riêng, được gọi là Diem, vào cuối năm nay. Nếu Diem “thành công trong việc thay thế tiền của ngân hàng trung ương, thì Fed sẽ gặp khó khăn hơn trong kiểm soát nguồn cung tiền, hoặc nói chung là nhiệm vụ tiến hành chính sách tiền tệ”, theo nhà kinh tế học Michael Bordo của Đại học Rutgers.
Ngoài ra, còn có vấn đề liên quan đến chủ quyền tiền tệ truyền thống đang suy yếu. “Nếu Diem, hay thậm chí là CBDC của Trung Quốc, được nhiều quốc gia khác chấp nhận, thì đồng USD sẽ mất vị thế thống trị”, ông Bordo nói.
Các ngân hàng trung ương như Fed cũng khó chịu trước thực tế là các stablecoin trông như thể được gắn liền với tiền tệ fiat, mặc dù chúng không được hỗ trợ bởi chính phủ. “Stablecoin giống như bạn đang xem một bộ phim được lồng tiếng, chứ không phải bộ phim gốc”, Ronit Ghose, người đứng đầu FinTech và tài sản kỹ thuật số tại Citi Global Insights, nhận xét.
Theo ông Nic Carter, sự thù địch của Fed có thể xuất phát từ kế hoạch của riêng họ đối với CBDC, một con đường để cơ quan này thực hiện chính sách tiền tệ chi tiết và trực tiếp hơn. Ông Carter hình dung CBDC như một chứng từ có thể lập trình mà Fed có khả năng kiểm soát toàn bộ. “Nó như chén thánh đối với các chủ ngân hàng trung ương vì nó cho họ toàn quyền quyết định”.
Không thực sự cần thiết triển khai CBDC
Dù muốn hay không, các chủ ngân hàng trung ương cũng phải đồng ý rằng stablecoin xuất hiện là để tồn tại. Theo dữ liệu từ The Block, tổng nguồn cung stablecoin đạt gần 110 tỉ USD và vẫn đang trên đà phát triển nhanh chóng.
Ngược lại với các đồng sự, Phó chủ tịch Fed Randal Quarles cho rằng không cần phải lo sợ về stablecoin. Ông cũng không thực sự hiểu về trường hợp Mỹ muốn tung ra đồng USD kỹ thuật số của riêng mình, dưới sự hậu thuẫn của ngân hàng trung ương. Trong nhận xét được gửi đến Hiệp hội các chủ ngân hàng Utah hồi tháng trước, ông Quarles lập luận rằng trên thực tế stablecoin có thể nâng cao vai trò của đồng USD trên phạm vi quốc tế. “Mạng lưới stablecoin toàn cầu bằng USD có thể khuyến khích việc sử dụng đồng USD nhờ vào khả năng thực hiện thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn và rẻ hơn, đồng thời nó còn có thể được triển khai nhanh hơn và ít nhược điểm hơn so với CBDC”, ông Quarles nói.
Khi được hỏi về các quy tắc nhà nước nhất định, ông Quarles trả lời rằng thay vì căng thẳng tìm cách nói “không”, Fed nên nói “có” với những sản phẩm này. “Sự kết hợp của những cải tiến sắp xảy ra trong hệ thống thanh toán hiện tại, chẳng hạn như sáng kiến thanh toán tức thì kết hợp với hiệu quả xuyên biên giới của các stablecoin, khi được cấu trúc đúng cách có thể khiến bất kỳ nỗ lực nào để phát triển CBDC đều trở nên không cần thiết”, ông Quarles nhấn mạnh.
Theo CNBC, vào tháng 10 năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phải quyết định xem liệu có nên gia hạn nhiệm kỳ của ông Quarles với tư cách là phó chủ tịch giám sát của ngân hàng trung ương hay không. Kết quả sau cùng sẽ là câu trả lời cho biết Nhà Trắng lựa chọn đứng ở phía nào trong chủ đề tiền điện tử.
Bình luận (0)