(TNO) Bão hòa tài năng, thể lệ dần nhàm chán, tỉ suất người xem thấp hay sự cạnh tranh quyết liệt từ các chương trình khác là nguyên do khiến American Idol phải đi đến hồi kết sau 15 mùa.
American Idol từng là chương trình ăn khách nhất nước Mỹ - Ảnh: AFP
Ngày 11.7.2002, cuộc thi American Idol - Thần tượng âm nhạc Mỹ với bộ ba giám khảo nổi tiếng Randy Jackson, Paula Abdul và Simon Cowell đã lần đầu tiên ra mắt khán giả trên kênh truyền hình Fox và lập tức tạo nên một cơn sốt lớn trên toàn quốc. Trải qua chặng đường dài 15 năm, cuộc thi vẫn được xem là chương trình thành công nhất trong lịch sử truyền hình Mỹ. Tuy nhiên "tượng đài" từng là thách thức của nhiều đối thủ cũng đã đến hồi thoái trào khi vào ngày 11.5, đài Fox đã tuyên bố sẽ chấm dứt cuộc thi âm nhạc này sau mùa thứ 15.
Bà Dana Walden, Giám đốc điều hành của Đài truyền hình Fox cho biết “đây không phải là quyết định dễ dàng” bởi bà từng rất quyết tâm đưa American Idol trở thành một chương trình "dài hơi" như Survivor hay Amazing Race.
Nhưng theo tờ Los Angeles Times, sự kết hợp của nhiều yếu tố như việc các thí sinh giành chiến thắng trong những mùa gần đây không thể đạt được thành công khi bước ra khỏi cuộc thi, thị hiếu khán giả thay đổi, tỉ suất người xem sụt giảm nhanh hơn dự kiến, áp lực cạnh tranh và thất thu quảng cáo đã khiến Thần tượng âm nhạc Mỹ phải sớm kết thúc.
Trước đó American Idol vẫn là chương trình đạt kỷ lục có tỉ suất người xem truyền hình cao nhất trong 8 mùa đầu tiên. Thậm chí công ty nghiên cứu thị trường Nielsen từng thống kê ở mùa giải năm 2006 American Idol còn đạt đến con số kỷ lục 31,3 triệu khán giả theo dõi.
Bước ngoặt của cuộc thi đến sau mùa thứ 9 khi giám khảo kỳ cựu Simon Cowell quyết định rời khỏi chương trình để “tìm kiếm những thử thách mới hơn”, kéo theo một lượng lớn khán giả bỏ đi và cho đến mùa giải năm 2014, số người theo dõi cuộc thi qua truyền hình chỉ còn lại 12 triệu người.
Sự ra đi của Simon Cowell sang X-Factor cũng khiến sức hút của American Idol giảm đi - Ảnh: Reuters
Sự cạnh tranh của hàng loạt chương trình mới với hình thức, thể lệ mới mẻ, hấp dẫn hơn như The Voice của kênh NBC hay X-Factor (Nhân tố bí ẩn), "đứa con mới" được cựu giám khảo Simon Cowell giới thiệu và giữ vai trò giám đốc sản xuất cũng khiến sự quan tâm của khán giả bị chia nhỏ ra. Và American Idol dĩ nhiên phải chịu thất thế.
Mất khán giả đồng nghĩa với mất đi nguồn doanh thu quảng cáo béo bở. Nếu vào thời hoàng kim 2009, mỗi gói 30 giây quảng cáo ở American Idol thu về 600 ngàn USD cùng nhiều hợp đồng quảng cáo với các nhãn hàng lớn thì càng về những mùa gần đây, doanh thu từ quảng cáo lại sụt giảm đáng kể và các nhãn hàng cũng không còn mấy hứng thú với "ngôi sao xế chiều" này.
Các khán giả khó tính cũng dần không còn thích việc hàng tuần ngồi xem chương trình âm nhạc theo lịch trình của nhà sản xuất như American Idol mà dần chuyển sang chú ý đến các chương trình truyền hình thực tế có sự tranh cãi hay thể lệ hấp dẫn hơn, đặc biệt là các sê-ri phim truyền hình như Walking Dead, nơi khán giả thậm chí có thể can thiệp và thay đổi những tình tiết của bộ phim một cách chủ động hơn.
Carrie Underwood, quán quân mùa thứ 4 là một trong những phát hiện thành công nhất của American Idol - Ảnh: AFP
Trên hết, những người chiến thắng là những hình ảnh đại diện cho suốt một mùa thi và phản ánh chất lượng cuộc thi những năm gần đây dường như biến mất trong thị trường âm nhạc khắc nghiệt của Mỹ. Không còn những hiện tượng và dần trở thành ngôi sao sáng như Carrie Underwood, Kelly Clarkson hay Jennifer Hudson, cái tên American Idol cũng không thể giữ được nhiệt ban đầu cũng như duy trì "sự sống" của chính mình.
Bình luận (0)