Tại sao hàng loạt nhãn hàng xa xỉ 'rủ nhau' giảm giá?

06/04/2015 13:30 GMT+7

(TNO) Chanel và Dior đã giảm giá, các nhãn hiệu hàng xa xỉ khác cũng đang xem xét kế hoạch giảm giá các mặt của mình...

(TNO) Chanel và Dior đã giảm giá. Các nhãn hiệu hàng xa xỉ khác cũng đang xem xét kế hoạch giảm giá để nâng doanh số trước thực tế ngày càng có nhiều người châu Á chọn mua hàng hiệu ở nước ngoài.

Một ngày sau khi Chanel thông báo hạ giá sản phẩm, hàng dài người xếp hàng chờ mua tại cửa hàng của hãng ở Bắc Kinh và Thượng Hải (Trung Quốc). Nhiều sản phẩm hết hàng chỉ sau vài giờ - Ảnh: Reuters
Tờ South China Morning Post hôm nay 6.4 dẫn lời các nhà phân tích cho biết ngoài Chanel và Dior đã niêm yết giá giảm, các nhãn hàng hiệu khác cũng đang rục rịch cho giảm giá các sản phẩm của họ ở khu vực châu Á. Điều này xuất phát từ sự thay đổi trong thói quen mua sắm hàng hiệu của những khách hàng giàu có ở Trung Quốc.
Doanh số bán hàng xa xỉ ở nước này đã giảm 1% trong năm ngoái trong bối cảnh người tiêu dùng Trung Quốc chọn mua sắm ở nước ngoài vì đồng nhân dân tệ mạnh và tỷ giá hối đoái thuận lợi giúp họ dễ dàng có được sản phẩm với mức giá thấp ở nước ngoài, theo hãng tư vấn Mỹ Bain & Company. Cùng với đó, chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ” của chính quyền Trung Quốc cũng góp phần ăn mòn doanh số bán hàng xa xỉ trong nước này.
Zhou Ting, Giám đốc Viện Fortune Character - hãng nghiên cứu và tư vấn đặt trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết: “Tại thị trường Trung Quốc, chúng tôi tin rằng việc các nhãn hàng hạ giá sản phẩm xa xỉ sẽ trở thành quy chuẩn chung”.
Theo South China Morning Post, các nhãn hiệu hàng xa xỉ hiện kỳ vọng thực tế mức giá thấp hơn ở châu Á, trong đó bao gồm Trung Quốc, sẽ kích cầu tiêu dùng, chuyển chi tiêu hàng xa xỉ của khách hàng từ nước ngoài về lại trong nước.
Tháng trước, Chanel là nhãn hàng đầu tiên giảm giá ở khu vực châu Á khi niêm yết giá hạ 20% cho tất cả các mẫu túi xách. Các thương hiệu xa xỉ khác như Dior và hãng làm đồng hồ Thụy Sĩ Patek Philippe hay TAG Heuer cũng hạ giá thành sản phẩm, có lúc hạ đến 40%, ở thị trường châu Á.
“Chắc chắn, các nhãn hàng khác cũng sẽ làm theo Chanel. Điều này không chỉ diễn ra trong Trung Quốc, mà còn ở nhiều thị trường khác tại châu Á”, ông Zhou Ting nói.
Tờ Beijing Morning Post cho hay hãng Prada được dự báo sẽ là thương hiệu tiếp theo thực hiện xu hướng này. Riêng Prada, doanh số bán hàng của hãng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm ngoái giảm đến 3,1%.
Thời gian qua, nhiều nhãn hiệu hàng xa xỉ phải ngưng các kế hoạch phát triển kinh doanh của họ ở châu Á do doanh số giảm, thậm chí một số cửa hàng còn phải đóng cửa.
Hugo Boss đóng cửa 7 cửa hàng và Burberrry có 4 cửa hàng đóng cửa. Bain & Company ước tính khoảng 70% số chi tiêu cho hàng xa xỉ của người Trung Quốc trong năm ngoái là ở nước ngoài, South China Morning Post  đưa tin.
Trái ngược với cảnh ế ẩm của các cửa hàng Trung Quốc, shop đồ hiệu ở châu Âu ngập tràn khách mua và một số sản phẩm còn hết hàng nhanh chóng, Zeng Mingyue - một nhà nghiên cứu tại Đại học Kinh tế Quốc tế ở Bắc Kinh (Trung Quốc) - cho hay. Thực trạng trên ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu của các nhãn hàng xa xỉ và ngăn cản kế hoạch xây dựng thị trường kinh doanh ổn định của các hãng này ở Trung Quốc.
Việc các thương hiệu xa xỉ đồng loạt cắt giảm giá thành, theo ông Ting, dù thúc đẩy doanh số bán hàng khu vực trong ngắn hạn, sẽ tiềm ẩn nguy cơ giảm sút giá trị thương hiệu của các nhãn hàng xa xỉ, biến chúng trở thành các nhãn hàng thời trang phổ biến hơn trong mắt người tiêu dùng châu Á.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.