Tại sao Mỹ dừng phát triển một trong bộ ba hạt nhân?

Văn Khoa
Văn Khoa
28/10/2022 09:13 GMT+7

Những tài liệu vừa được công bố cho biết Mỹ sẽ ngừng phát triển tên lửa hành trình phóng từ biển được trang bị vũ khí hạt nhân, mặc dù các quan chức quân sự cấp cao đã công khai khuyến nghị giữ loại tên lửa này.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 27.10 công bố 3 tài liệu, gồm Chiến lược Phòng thủ quốc gia, Đánh giá khả năng hạt nhân và Đánh giá phòng thủ tên lửa. Tất cả tài liệu này đưa ra các ưu tiên của quân đội trong những năm tới và nhấn mạnh rằng Washington sẽ duy trì “tiêu chuẩn rất cao đối với việc dùng hạt nhân”, theo Reuters.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, quân đội Mỹ đã đưa ra quyết định vào năm 2018 là phát triển một loại tên lửa hành trình phóng từ biển được trang bị vũ khí hạt nhân mới, tập trung vào mối đe dọa từ Nga. Tuy nhiên, khi xem xét lại, chính quyền Tổng thống Biden đương nhiệm cho hay chương trình tên lửa hành trình phóng từ biển (SLCM-N) là không cần thiết và sẽ bị hủy bỏ vì Mỹ đã có “phương tiện ngăn chặn việc sử dụng hạt nhân hạn chế”.

Một tên lửa được phóng từ tàu ngầm Mỹ

Hải quân Mỹ

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói với các phóng viên rằng quân đội không cần SLCM-N vì đã có đủ khả năng trong kho hạt nhân. “Tôi không nghĩ rằng điều này sẽ gửi bất kỳ thông điệp nào đến [Tổng thống Nga Vladimir] Putin. Ông ấy hiểu khả năng của chúng tôi là gì”, Bộ trưởng Austin cho hay được hỏi liệu việc hủy bỏ SLCM-N có gửi một thông điệp nguy hiểm tới Nga và Trung Quốc hay không.

Trước đó vào tháng 4, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley nói với các nhà lập pháp rằng quan điểm của ông về SLCM-N không thay đổi và ông tin rằng cần có nhiều lựa chọn.

Khi được hỏi liệu có quan chức quân sự nào đề nghị hủy bỏ SLCM-N hay không, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói rằng “tiếng nói của mọi người đã được lắng nghe”. Vị quan chức cho biết thêm chương trình bị hủy bỏ vì ngay cả khi chương trình đã được tài trợ đầy đủ, các tên lửa sẽ không được triển khai cho đến năm 2035. “Hiện tại, không cần phát triển SLCM-N”, vị quan chức, không muốn tiết lộ danh tính, nhấn mạnh.

Bộ ba hạt nhân Nga phô trương sức mạnh trong tập trận do Tổng thống Putin giám sát

Quyết định hủy bỏ tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm có thể giúp Tổng thống Biden đáp lại lời kêu gọi từ các đảng viên Đảng Dân chủ nhằm thu nhỏ kho vũ khí hạt nhân của Mỹ mà không phải hy sinh các thành phần chính trong “bộ ba” hạt nhân, gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có đầu đạn hạt nhân, máy bay ném bom có khả năng hạt nhân và vũ khí hạt nhân được phóng từ tàu ngầm, theo Reuters.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.