Như đã biết, cuối tháng 11 vừa qua Sài Gòn vừa phải trải qua một đợt mưa bão lịch sử. Nhiều tuyến đường ngập nặng, xe chết máy la liệt giữa đường. Giữa cơn hoạn nạn ấy, tôi đã có dịp cảm nhận được tình người nồng ấm của những người dân sống nơi đây.
Về bản thân, tôi đang làm nghề xây dựng cho một công trình ở Thảo Điền (quận 2), mà khu này thì nhiều người dân TP.HCM cũng biết rồi. Hễ trời mưa lớn là ngập dữ lắm. Với bản tính cứng đầu, tôi ráng chạy qua đoạn ngập nước thì xe bị nghẹt luôn do nước dính vào bugi. Hên làm sao tôi được một nhóm bạn trẻ sửa xe miễn phí và về được nhà an toàn.
|
Theo dõi mạng xã hội tôi được biết trong đợt mưa lụt vừa qua có vài nhóm cứu trợ tình nguyện hoạt động tại các khu vực khác nhau trên địa bàn thành phố. Một số khác thì giúp các chủ xe tìm lại biển số đánh rơi, chụp ảnh cập nhật tình hình mưa lũ, thông tin các vị trí ngập lụt cho mọi người cùng biết để tránh.
Làm việc tốt là vậy, thế mà tôi chứng kiến một người đàn ông phản ứng rất dữ dội vì chiếc xe hơi ngập nước của anh ta vô tình bị lọt vào khung ảnh chụp. Với lý do cho rằng, việc lộ thông tin biển số khiến cho chiếc xe bị mất giá khi bán lại.
Có ý kiến đồng tình việc giấu biển xe bị nạn nhưng tôi thấy làm như vậy là hoàn toàn không ổn. Xe mình ngập nước do không cẩn thận thì phải bản thân tự chịu. Tại sao lại nỡ đi lừa gạt người khác cơ chứ. Sự ích kỷ của người đàn ông đó trái ngược một trời một vực với lòng tốt của những bạn trẻ kia.
Tôi có người quen bị dụ mua phải xe hỏng nên đối với những chuyện như vậy rất dị ứng. Bốn năm trước, ông anh họ tôi gom góp tiền tiết kiệm mua một chiếc ô tô cũ để chạy dịch vụ. Lúc đó, Grab cũng mới vào Việt Nam, việc chạy xe cũng kiếm sống được nên anh tôi quyết tâm bỏ việc đang làm để chạy xe toàn thời gian. Chiếc xe được người môi giới quảng cáo là “xe nữ chạy, ít đi, không đâm đụng”. Chạy thử vài vòng thấy ổn, giá cả lại phải chăng nên anh tôi xuống tiền mua rất nhanh. Thời gian đầu không có vấn đề gì nhưng chỉ vài tháng sau xe thường bị lỗi vặt không rõ nguyên nhân.
Mang xe ra tiệm sửa chữa, ông anh tôi phát hoảng khi biết đã mua phải xe ngập nước. Tuy xe không bị thủy kích, động cơ vẫn ổn. Thế nhưng hệ thống điện bị dính nước, lâu dần bị ô xy hóa các mối nối dẫn đến trục trặc. Lúc này bỏ thì thương vương thì tội. Sau khi suy tính thiệt hơn, anh tôi đành chịu lỗ bán lại xe cho lái buôn với giá thấp.
Tôi nghe nói ở nước ngoài, người ta có cung cấp dịch vụ kiểm tra thông tin của những chiếc xe từng bị tai nạn hoặc bị ngập nước. Theo tôi ở Việt Nam nên triển khai một dịch vụ tương tự. Dạo này hiện tượng mưa lụt cũng xảy ra thường xuyên hơn, trước là ở TP.HCM rồi Nha Trang, Đà Nẵng vừa qua cũng bị thiệt hại cũng nặng. Trên các trang web rao bán xe cũ hay tại các đại lý ô tô, tôi tuyệt nhiên không bao giờ thấy nhắc đến loại xe này. Toàn là “xe nhà dùng, chạy cẩn thận”.
|
Trước đây, riêng chuyện taxi hoàn lương cũng đã đủ đau đầu rồi. Bây giờ lại còn thêm xe ngập nước nữa thì những người mua xe cũ biết tính sao. Nhất là những người chạy xe dịch vụ, đâu phải ai cũng có đủ tiền mua xe mới đâu.
Để minh bạch chuyện này, tôi kiến nghị mỗi chiếc xe phải có một hồ sơ sửa chữa cập nhật định kỳ. Khi giao dịch, người bán phải cung cấp cho người mua bộ hồ sơ này. Nếu không có, hoặc hồ sơ không đầy đủ, người mua nên lựa chọn chiếc xe khác. Đây cũng là cách để thúc đẩy thị trường mua bán xe cũ phát triển.
Không ai đem tiêu hủy những chiếc xe ngập nước cả. Vẫn sẽ có những người mua nó. Thế nhưng mọi thứ phải trả về đúng giá trị thực.
Để tình trạng tiếp diễn như hiện nay, chỉ có giới buôn xe là được lợi nhất. Họ vừa ép giá được người bán, mông má qua loa lại bán cho người mua được giá cao.
Bình luận (0)