Tại sao phải bắt người yêu đổi giọng nói?

21/03/2023 12:07 GMT+7

Những tưởng hai tâm hồn đồng điệu là có thể yêu nhau, nhưng lại có người bắt "đối phương" muốn yêu phải thay đổi giọng nói. Câu chuyện này thu hút nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.

Một video của chương trình Bạn muốn hẹn hò được dân mạng chia sẻ nhiều thời gian gần đây và thu hút hơn 1,2 triệu lượt xem và hơn 2.000 bình luận. Đa phần ý kiến đều tập trung vào câu chuyện nữ chính bắt nam chính phải thay đổi giọng nói nếu muốn tiến tới mối quan hệ tình cảm.

Cô gái nhận xét rằng chàng trai ở Nghệ An nói giọng khó nghe, hỏi chàng trai có nói được giọng Nam bộ hay không? Khi chàng trai cho biết "nói được chút chút", cô gái yêu cầu chàng trai nói thử.

Lúc này, MC chương trình lên tiếng: "Giọng người ta hay mà sao bắt người ta đổi giọng?". Cô gái giải thích rằng nếu với giọng nói ấy, khi gặp phụ huynh sẽ khiến phụ huynh không nghe được, sẽ luôn hỏi lại: "hả, hả?"...

Tại sao phải bắt người yêu đổi giọng nói?  - Ảnh 1.

Cô gái gặp phản ứng vì yêu cầu chàng trai thử đổi giọng nói

CHỤP MÀN HÌNH

Đừng làm khó nhau chỉ vì giọng nói

Lê Trần Nguyên Thư (24 tuổi), làm việc ở công ty TNHH MTV Mỹ Đức Hòa, Q.5, TP.HCM, cho rằng cô gái trong video quá cực đoan khi bắt chàng trai phải đổi giọng.

"Giọng nói không phải là yếu tố quyết định trong một mối quan hệ tình cảm. Dù mỗi người sinh ra ở mỗi nơi, với những giọng nói vùng miền riêng biệt, thì vẫn có thể tiến tới việc yêu nhau, cưới nhau. Cớ sao lại bắt đối phương phải đổi giọng", Thư nói.

Cùng quan điểm, anh Hồ Nhật Toàn (32 tuổi), nhà ở 28/10 Phan Tây Hồ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, dẫn chứng có rất nhiều cặp vợ chồng mà vợ ở miền Tây còn chồng ở miền Bắc, hay chồng ở miền Trung nhưng vợ ở miền Nam.

"Mỗi người ở mỗi địa phương khác nhau, có giọng nói chẳng hề giống nhau, nhưng vẫn nên duyên vợ chồng. Chính vì thế, đừng làm khó nhau chỉ vì giọng nói. Quan trọng là khi yêu nhau cần sự hòa hợp trong tâm hồn, chứ giọng nói không hề liên quan đến chuyện yêu nhau", anh Toàn cho biết.

Trong số hơn 2.000 bình luận về video, hầu hết ý kiến đều cảm thấy khó hiểu khi chỉ vì giọng nói mà cô gái lại coi đó là "rào cản" để cùng chàng trai tiến đến việc tìm hiểu nhau.

"Ba tôi ở Nam Định, mẹ tôi ở Tiền Giang. Ba giọng nói khác, mẹ giọng nói khác. Ngay cả vợ chồng tôi cũng rơi vào trường hợp tương tự khi tôi nói giọng TP.HCM, còn vợ tôi nói giọng Gia Lai. Nhưng tất cả chẳng có vấn đề gì. Ba mẹ tôi vẫn sống hạnh phúc 40 năm nay. Vợ chồng tôi vẫn bên nhau, yêu thương nhau cả 7 năm nay. Thế nên đừng quá đặt nặng vấn đề về giọng nói, đừng quan trọng hóa chuyện giọng nói vùng miền. Việc bắt người yêu thay đổi giọng nói là điều hết sức vô lý", anh Đặng Đức Nguyện (35 tuổi), nhà ở 274 Lê Thiệt, Q.Tân Phú, TP.HCM, chia sẻ.

Tại sao phải bắt người yêu đổi giọng nói?  - Ảnh 2.

Đừng để giọng nói trở thành chướng ngại vật khi yêu

SHUTTERSTOCK

Lỡ khác giọng, phải làm sao?

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Thị Minh Khuê, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Tâm, TP.HCM, câu chuyện về giọng nói tưởng chừng không hề liên quan đến tình yêu của người trẻ nhưng thực tế vẫn có những người đắn đo suy nghĩ khi người thầm thương trộm nhớ, người đem lại cho họ cảm giác thích thích, yêu yêu... nói giọng khác họ.

Chị Khuê cho biết từng được nhờ tư vấn một trường hợp với câu chuyện tương tự. Một chàng trai ta thán không biết phải làm sao khi quê ở Bến Tre nhưng người yêu ở Quảng Trị. "Bạn ấy kể cả hai yêu nhau rất nhiều, hiểu nhau trong cuộc sống, công việc. Chỉ có điều quá khác nhau về giọng nói nên không biết có thể tiến tới với nhau lâu dài hay không? Tôi khá bất ngờ về thắc mắc đó. Bạn ấy kể lo lắng khi người yêu diện kiến ba mẹ sẽ khiến người đối diện cảm thấy khó nghe, khó hiểu những câu từ", chị Khuê kể lại.

Chị Khuê kể thêm: "Trong câu chuyện đó, tôi có khuyên rằng giọng nói chẳng hề ảnh hưởng. Đừng quá lo xa, nghĩ ngợi quá nhiều mà làm đổ vỡ mối quan hệ yêu thương. Đừng để giọng nói trở thành chướng ngại vật trong tình yêu".

Chuyên gia tâm lý này cho rằng: "Có thể giai đoạn đầu khi tiếp xúc, nghe thấy một giọng nói không cùng địa phương, không cùng nơi ở, có cảm giác khó nghe. Tuy nhiên, nghe dần thành quen và mọi người đều có thể hiểu tất cả những gì người khác nói, dù là với giọng nói của bất kỳ vùng miền nào".

Với những băn khoăn của người trẻ, nếu lỡ có người yêu, người chồng khác giọng thì phải làm sao? Chị Khuê nói: "Khi về làm dâu, ở rể nhà gia đình chồng (hoặc vợ) ở một tỉnh, thành khác, thì trong thời gian ở đấy có thể nói theo giọng nơi ấy để dễ dàng trò chuyện với họ hàng. Còn nếu quen nói giọng địa phương, có thể nói chậm để người khác dễ nghe hơn. Nên nhớ là mỗi địa phương có những giọng nói vùng miền đặc trưng. Giọng nói nào cũng có cái hay riêng. Đừng vì giọng nói không giống mình mà bỏ lỡ những mối quan hệ chân tình".



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.