Nhận được tin “ân nhân” của mình lên thăm nhà và lớp học, gia đình thầy giáo Nguyễn Văn Sỹ (31 tuổi, ở xã Hoa Thủy, H.Lệ Thủy) phấn chấn. Nghe tiếng xe, vợ chồng Sỹ bồng đứa con nhỏ hơn 2 tuổi ra tận ngoài cổng đón. Người mở cửa xe bước xuống chính là thượng tá Trương Minh Vũ, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Bình. Hai bên tay bắt mặt mừng.
Cũng khá lâu rồi thượng tá Vũ mới trở lại Hoa Thủy. Với ông, nơi đây ghi dấu những kỷ niệm không bao giờ quên của người lính hình sự. Ông hỏi thăm Sỹ và người vợ trẻ Nguyễn Thị Khánh Huyền, rồi cưng nựng cháu bé Nguyễn Văn Minh Khang. Đó như 3 cuộc đời mới được “tái tạo” từ bàn tay của thượng tá Vũ. Rồi ông bước nhanh vào lớp học có hơn 20 học sinh đang trong những ngày chuẩn bị cho những kỳ thi cam go phía trước…
|
Tuổi hai mươi sa ngã
Ngược thời gian, thời THPT, ham học nhưng Sỹ lại thích chơi với những người bạn lêu lổng. Dù vậy, Sỹ vẫn thi đậu vào Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Ba năm đầu đại học, Sỹ đạt nhiều kết quả tốt, năm nào cũng nhận được học bổng của trường. Nhưng rồi Sỹ không vượt qua được cám dỗ của ma túy. “Bạn bè ở quê, hầu như ai cũng chơi ma túy”, Sỹ nhớ lại. Mỗi lần về quê, thấy bạn bè chơi rồi rủ, tò mò nên Sỹ cũng thử. Đó là kỳ nghỉ hè năm 3 đại học. Lúc ấy, ba mất vì tai nạn xe máy nên Sỹ càng buồn chán... Rồi dính sâu vào ma túy lúc nào không hay. “Vừa học vừa chơi ma túy. Để có tiền, em cầm xe máy, máy vi tính, điện thoại... kể cả tiền gia đình gửi vào ăn học. Hết tiền, lại theo bạn bè trộm cắp vặt”, Sỹ kể.
Năm 2012, học xong, Sỹ về quê, lại lang thang, nhiều lần bị lực lượng công an địa phương phát hiện và răn đe. Nhưng mỗi khi lên cơn nghiện, Sỹ lại dính vào ma túy, cai rồi tái nghiện. Thất vọng vì con, mẹ Sỹ chuyển đi ở nơi khác. Ngôi nhà hoang lạnh...
|
Trở về từ cái chết trắng
Dù buông thả, nhưng số phận có lẽ chưa buông rơi Sỹ. Bước ngoặt xảy đến khi thượng tá Vũ được luân chuyển từ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đến làm Trưởng công an H.Lệ Thủy. Máu “chống ma túy” sẵn trong người, ngay từ những ngày đầu bước chân đến Lệ Thủy, thượng tá Vũ đã nhắm “điểm nóng” thuộc cụm địa bàn phía tây của huyện: xã Hoa Thủy, xã Sơn Thủy, thị trấn Nông trường Lệ Ninh.
Ngoài các biện pháp nghiệp vụ làm án, năm 2015, thượng tá Vũ sáng kiến tổ chức diễn đàn “Cùng lắng nghe và chia sẻ” tại Đồn công an TT.Lệ Ninh với sự góp mặt của 54 người nghiện ma túy cùng thân nhân của họ. Gần 5 năm trôi qua, thượng tá Vũ vẫn nhớ như in cảm giác hôm ấy: “Cán bộ địa phương, anh em trong lực lượng và cả người nghiện ngồi xen kẽ, quây quần với nhau chuyện trò chứ không một chút “lễ nghi”. Mọi tâm tư, sẻ chia đều được nói ra hết”.
Tại buổi “quây quần” đó, Sỹ vẫn còn rụt rè, chưa xuất hiện. Từ thành công ban đầu, thượng tá Vũ cho rà soát lựa chọn nhân tố để hình thành đội ngũ tuyên truyền viên cho những diễn đàn sau. Và Sỹ được chọn. Trong các sự kiện sau đó, Sỹ tự tin hẳn với kiến thức, trình độ kèm khiếu ăn nói của mình.
Bằng linh cảm của người lính đánh án hình sự lâu năm, thượng tá Vũ quyết định dồn tâm huyết, đột phá mở lớp cho Sỹ dạy kèm học sinh THPT trên địa bàn. Ban đầu phải mượn tạm phòng học. Thấy Sỹ dạy được, thượng tá Vũ liền báo cáo cơ quan chức năng địa phương, kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay xây dựng một phòng học mang tên “Cùng lắng nghe và chia sẻ” với đầy đủ bàn ghế, bục giảng, quạt, nhà vệ sinh ngay trong vườn nhà Sỹ. Tại buổi lễ khánh thành phòng học ngày 3.7.2017, rất nhiều quan khách, lãnh đạo địa phương đến tặng hoa, động viên, dặn dò Sỹ…
Lớp học đông dần. Cách truyền đạt dễ hiểu của Sỹ đã thu hút hàng trăm học sinh. Có những em như Trần Văn Trung Anh (lớp 12) theo học với thầy Sỹ từ khi đang học lớp 10. Thời gian đầu, Sỹ dạy miễn phí, sau này có thu một ít tiền để vận hành lớp học như chi trả điện, nước. Kết quả đỗ đạt cao của các em tại các trường đại học, cao đẳng càng kích thích Sỹ. Trên tường của phòng học treo rất nhiều hình ảnh liên quan đến sự ra đời của lớp, như để Sỹ tự nhắc nhở mình. Sỹ tâm sự với tôi: “Bạn bè buôn bán ma túy bị bắt, nhưng chắc các anh công an muốn cho em cơ hội làm lại cuộc đời nên đến nhà gặp mẹ em động viên đưa con đi cai. Em cũng rất muốn tự cứu cuộc đời mình, nhưng mỗi khi lên cơn nghiện là phá xích, đòi bỏ đi… Kể từ khi gặp và được tham gia diễn đàn do anh Vũ thành lập, em thay đổi và quyết tâm hơn”.
Năm 2018, thượng tá Vũ chuyển công tác nhưng ông vẫn luôn dõi theo Sỹ và lớp học. Chính sự tận tụy, đồng cảm của ông và mọi người đã cảm hóa Sỹ. Để rồi bây giờ, “thầy” Sỹ có thể thốt lên những lời tự đáy lòng: “Em vượt qua được mặc cảm, với động lực lớn nhất chính là niềm tin của anh Vũ”.
Bình luận (0)