Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858 ) tự là Tồn Chất, hiệu là Ngộ Trai, biệt hiệu là Hy Văn, người làng Uy Viễn, H.Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Vốn là người thông minh, hiếu học, song sau nhiều phen lận đận thí trường, đến năm 41 tuổi ông mới đỗ Giải nguyên khoa thi Hương năm Kỷ Mão (1819) và được bổ đi làm quan trong năm ấy. Ông là người giỏi việc binh, một tài năng văn học, và là một quan lại có tài kinh bang tế thế.
Đền thờ Nguyễn Công Trứ ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh |
Đậu Hà |
Chức vụ đầu tiên của Nguyễn Công Trứ là Biên tu ở sử quán rồi lần lượt đảm nhận nhiều chức quan khác nhau. Ông lận đận quan trường, bị cách chức 5 lần nhưng rồi ông lại được phục chức, trọng dụng.
Năm 1828, Nguyễn Công Trứ thăng Hữu Tham tri Bộ hình, sung chức Dinh điền sứ. Năm 1832, ông được bổ chức Bố chánh sứ Hải Dương, cùng năm thăng Tham tri Bộ binh, giữ chức Tổng đốc tỉnh Hải An.
Năm 1840 giữ chức Tả Đô Ngự sử viện Đô sát, kiêm Tham tri Bộ binh, Tán lý cơ vụ đồn trấn Tây. Năm 1845 làm chủ sự Bộ hình, năm 1846 làm Quyền Án sát Quảng Ngãi, lại đổi ra làm Phủ thừa phủ Thừa Thiên, đến năm 1847 thăng làm Phủ doãn phủ Thừa Thiên. Năm 1848, Tự Đức nguyên niên, Nguyễn Công Trứ xin về hưu. Năm 80 tuổi, ông dâng sớ xin cầm quân đánh Pháp xâm lược, nhưng vì tuổi cao nên không được chấp nhận, rồi cùng năm đó, ông mất.
Đề cập đến 3 nhân vật được coi là rường cột của triều đình, vua Minh Mạng từng nói: “Hà Tôn Quyền giỏi mưu kế, Hoàng Tế Mỹ giỏi văn chương, Nguyễn Công Trứ giỏi chiến trận, trong triều không nên để vắng ba người ấy”.
Lại có chuyện những người không ưa trong triều đem chuyện Nguyễn Công Trứ hay cùng bạn bè tụ tập (đánh bài, thách nhau cao thấp, uống rượu, ngâm Truyện Kiều, làm thơ, viết bài hát nói cho các cô ả đào…) tâu lên vua Minh Mạng. Thay vì quở mắng, nhà vua cười nói: “Y vẫn có thói quen hào phóng như thế, thôi cứ để cho mặc ý”.
Lời ấy từ miệng ông vua nổi tiếng nghiêm khắc nhất triều Nguyễn, cho thấy Nguyễn Công Trứ chính là một “tay chơi” có hạng.
Đại nam thực lục chép rằng: Trong khi Nguyễn Công Trứ đi xem xét công việc khơi sông, viên Đề đốc Quang Mật phát hiện đội trưởng coi bến Châu Giang là Mai Văn Thạch tự tiện cho 4 chiếc thuyền buôn lậu chèo đi. Nguyễn Công Nhàn cùng Phùng Nghĩa Phương tra xét việc ấy, kết luận rằng chiếc thuyền trên do Nguyễn Công Trứ phái người đi thăm dò ở Trấn Tây, nhân cơ hội đó để buôn sừng tê giác và đậu khấu. Nguyễn Công Nhàn đem việc tâu lên nhà vua.
Vua sai Tham tri Bộ lễ Trần Ngọc Dao cùng Lại khoa Chưởng ấn là Đặng Kham tra xét. Ngọc Dao biết được vụ việc do Nguyễn Công Nhàn vu cáo, bèn kết án tâu rằng: Phùng Nghĩa Phương và Nguyễn Công Nhàn mắc tội vu cáo, xin phạt trượng và đày đi xa. Còn Nguyễn Công Trứ làm việc sơ suất nên phạt trượng và cách chức.
Vua dụ rằng: Nguyễn Công Nhàn xuất thân từ lúc làm tì tướng, lên đến chức trọng trấn một địa phương, chưa từng làm nên được việc gì. Trước kia, cái án hối lộ ở thôn Tân Hựu phát ra, ta đã châm chước xử nhẹ theo luật; nay còn không biết lo một lòng với nhau giúp nước, để che cái lỗi trước, lại còn cố ý vu cáo cho người khác, gây nên một vụ án lớn. Đáng lẽ theo như án đã nghị xử, phạt tội đày đi xa để răn những kẻ theo ý riêng mà bỏ việc công. Nhưng nghĩ Công Nhàn năm trước đánh lui được giặc ở đất Sa Tôn, lập công ở sông Vĩnh Tế. Chiếu theo luật điều đối với người có công, ta cũng có thể giảm nhẹ, vậy gia ân cho cách chức, gắng sức làm việc chuộc tội.
Chân dung Nguyễn Công Trứ |
Tư liệu của trang thông tin h.Nghi Xuân, Hà Tĩnh |
Với Nguyễn Công Trứ, nhà vua cho rằng: Tuy việc thuyền buôn chở đồ gian là do người khác bịa đặt nhưng xét ra việc đưa thuyền đi trấn Tây cũng là “mượn công làm tư”, đó cũng là một tội không thể che giấu được. Vì vậy, Nguyễn Công Trứ bị giáng chức, phái đi làm lính thú ở tỉnh Quảng Ngãi.
Lúc đến Quảng Ngãi trình diện quan đầu tỉnh để nhận lệnh, Nguyễn Công Trứ mặc áo cộc màu chàm, đầu đội nón dấu, theo đúng trang phục của một người lính. Quan đầu tỉnh vốn biết ông, nay thấy tình cảnh một người từng là Tổng đốc, vì sơ suất phạm lỗi mà nhận hình phạt như vậy, lấy làm ái ngại, có ý muốn cho phép ông thay trang phục khác. Biết vậy và tỏ ra xúc động vì tình cảm của vị quan sở tại dành cho mình, nhưng Nguyễn Công Trứ từ tốn đáp: “Xin ông cứ để vậy. Lúc làm tướng tôi không lấy làm vinh, nay làm lính tôi cũng không lấy làm nhục. Người ta ở địa vị nào, có nghĩa vụ đối với địa vị đó. Làm lính mà không mang đồ ấy thì sao gọi là lính được”.
Câu trả lời này khiến viên quan đầu tỉnh và tả hữu càng thêm kính phục Nguyễn Công Trứ.
Một năm sau, năm Thiệu Trị 5 (1845), nhà vua cho Nguyễn Công Trứ được khởi phục làm Chủ sự Bộ hình, quyền Viên ngoại lang; rồi lại đổi quyền Viên ngoại lang Đại lý tự. Châu bản triều Nguyễn cho biết, năm Thiệu Trị 6 (1846), Nguyễn Công Trứ được bổ tạm quyền Án sát Quảng Ngãi. Tháng 9 năm đó, ông được bổ thụ Phủ thừa phủ Thừa Thiên.
Lúc bấy giờ Bố chính và Án sát là 2 chức quan đứng đầu một tỉnh như Quảng Ngãi. Như vậy, chỉ trong vòng 2 năm, Nguyễn Công Trứ từ người lính canh giữ biên thùy, trở thành ông quan đầu tỉnh!
(còn tiếp)
Tài tử làng Nho
Bình luận (0)