Tài xế công nghật chật vật giữa "bão giá" |
CAO AN BIÊN |
Vét túi đổ xăng rồi chạy lòng vòng kiếm khách
"Sáng thứ 2 tôi đổ 120.000 đồng tiền xăng, trưa thứ 3 đổ tiếp 100.000 đồng, tới sáng thứ 5 thêm 120.000 đồng nữa rồi trưa thứ 6 lại phải vét túi đổ nốt 100.000 đồng. Chạy 1 tuần hết gần 500.000 đồng tiền xăng, tốn nhiều thế nhưng thực ra toàn chạy quanh chờ cuốc đón khách, có kiếm được bao nhiêu đâu" - anh Nguyễn Nhật Trung, tài xế GoBike kể 1 lèo khi chúng tôi chỉ vừa kịp hỏi 1 câu về giá xăng.
Theo anh Trung, kể từ sau khi TP.HCM cho xe ôm công nghệ hoạt động trở lại, tài xế chạy khá. Người dân đi làm bình thường, các cuốc xe "nổ" liên tục. Nhiều tài xế đã về quê trước đó, chưa kịp quay trở lại thành phố, rồi không ít người chuyển nghề nên số xe cũng ít hơn, bớt cạnh tranh. Đặc biệt, nhu cầu đặt đồ ăn, ship đồ tăng rất mạnh nên nếu chạy chăm chỉ từ sáng tới tối, có ngày cũng kiếm được 800.000 - 1 triệu đồng.
Thế nhưng khoảng 1 - 2 tuần trở lại đây, cả khách lẫn lượng đặt đồ ăn giảm rất nhiều. Có ngày chạy từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối mới được chưa đầy 20 đơn cả khách và giao đồ ăn, thu chưa tới 450.000 đồng. Trừ đi chiết khấu, tiền xăng, chi phí xét nghiệm... tính ra chưa được 300.000 đồng.
"Giờ nhà nào cũng có F0, người ta ở nhà hết rồi, còn ai đi làm đâu. Họ ở nhà thì cũng tự nấu ăn luôn. Mà mọi người chắc cũng chẳng còn nhiều tiền mà suốt ngày đặt trà sữa, gà rán này kia như trước nên đơn hàng ít lắm. Trong khi đó, giá cả cái gì cũng tăng chóng mặt. Một cái bánh giò 13.000 đồng trước có 2 quả trứng cút, nay cũng chỉ còn 1; Mua hộp xôi vừa 15.000 đồng hôm qua, hôm sau đã thấy lên 17.000 đồng. Thôi thì khó khăn chung, kiếm được đồng nào hay đồng đó, chứ tài xế giờ khổ lắm" - Anh Trung bộc bạch.
Kém may mắn hơn, chị T.T.B.Hoàng đang chạy dịch vụ xe 2 bánh cho hãng Grab còn rầu rĩ cho biết mỗi ngày chỉ nhận được 5 - 6 cuốc xe, toàn cuốc chạy ngắn chỉ 25.000 - 40.000 đồng. Chị bảo: "Trước, đi đổ xăng 70.000 - 80.000 đồng là chạm nắp, giờ đổ 50.000 đồng còn chưa thấy xăng đâu. Đổ được bình xăng xong thì chạy lòng vòng mãi cũng không có khách, giang nắng cả ngày về nhức đầu, lại lo tốn thêm cả trăm ngàn mua bộ kit test. Tôi đang xin vào làm đóng hộp xốp cho 1 quán cơm, chiều về chạy thêm thôi chứ giờ mà chạy cả ngày thì không đủ ăn".
LÊ NAM |
Doanh nghiệp "kẹt" giữa bài toán tăng giá cước
Xăng tăng, chi phí tăng... cơn "bão giá" càn quét khiến hàng loạt tài xế công nghệ tha thiết mong phía công ty xem xét tăng giá cước để bù lại thu nhập.
"Mọi thứ đều tăng, giá cước không đổi nên thu nhập giờ giảm tới 30 - 40%. Trước chạy 1 app, 1 tháng kiếm đều 15 - 18 triệu đồng, giờ mở cả 3 app liên tục, thay phiên nhau mà chật vật mãi vẫn chưa được 10 triệu đồng/tháng. Xăng tăng tới 5 - 6 lần rồi mà vẫn chưa thấy công ty báo điều chỉnh giá cước" - 1 tài xế GrabCar chia sẻ.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, hầu hết các hãng taxi công nghệ đều giữ nguyên giá cước đã niêm yết. Giá thành cho 1 chuyến đi vẫn chỉ thay đổi theo nhu cầu thực tế tại thời điểm khách đón xe.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Gojek cho biết Gojek vẫn chưa có kế hoạch tăng giá cước hoặc có chương trình khuyến mãi dành riêng cho tài xế do tác động trực tiếp từ đà tăng của giá xăng dầu. Theo vị này, giá cước đã được xây dựng, tính toán bao gồm cả các yếu tố thay đổi của thị trường, không thể nhanh chóng điều chỉnh theo diễn tiến ngắn hạn của giá nhiên liệu. Bên cạnh đó, là đơn vị trung gian, hãng xe công nghệ cần cân đối giữa lợi ích của cả đối tác tài xế và khách hàng. Giá cước thay đổi nhiều sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của phía khách hàng.
"Chúng tôi vẫn đang theo dõi sát sao từng ngày để xây dựng kế hoạch phù hợp với diễn biến của thị trường. Quan trọng nhất là luôn tìm cách đảm bảo cân bằng cán cân giữa cung - cầu, hài hòa lợi ích của cả tài xế và khách hàng" - đại diện Gojek khẳng định.
Tương tự, hãng taxi công nghệ Be và Grab cũng cho biết chưa có kế hoạch điều chỉnh tăng giá cước và xây dựng chương trình hỗ trợ mới về chi phí xăng dầu cho tài xế.
Bình luận (0)