Không biết tự bao giờ, những người lái xe ở Việt Nam được gọi là “bác tài”; bất kể tuổi tác và trình độ học vấn. Già trẻ, nam nữ gì cũng đều là “bác” chứ không phải là ông, bà, cô, chú, anh, em, cháu… “tài”.
Người xưa gọi lái xe là bác tài với sự quý mến, ngưỡng mộ. Ngày nay, dù vẫn được gọi là bác tài nhưng khi nói chuyện với nhau, thiên hạ thường bảo “thằng tài xế” này, “tên lái xe” nọ. Vì đâu nên nỗi? Bây giờ, ai cũng làm lái xe được, chỉ cần không bị khuyết tật, mất sức lao động và mấy tháng học nghiệp vụ để hợp thức hóa. Còn kỹ năng chừng vài ngày là lái được. Đây là một trong những nghề có tiêu chí dễ nhất. Đáng lẽ, đây phải là nghề có điều kiện, bởi lái xe là người nắm giữ sinh mạng hàng chục người. Sơ sẩy của lái xe là thảm hoạ của hàng chục gia đình với những di hại nặng nề cho xã hội.
Thăm dò bỏ túi vài trăm người dân về việc “Sợ gì nhất khi tham gia giao thông ở Sài Gòn?”. Câu trả lời lần lượt là “Xe 3B gồm buýt - ben - bồn”. Sau đó mới đến xe container, xe tải, xe taxi, xe gắn máy biển số tỉnh. Sợ nhất là xe buýt, lượng xe đông đảo, với nhiều ưu tiên nên nỗi sợ càng nhân lên. Khách hàng thường xuyên của xe buýt chắc không ít lần bị chửi vì những lỗi vu vơ và không cố ý. Càng nhiều lần được nghe chửi miễn phí. Nhiều nhất là lái xe chửi trong điện thoại, chửi mấy xe khác, chửi hành khách... Người tham gia giao thông thì hãi xe buýt vì chạy ẩu, lấn tuyến, giành khách, dừng đậu bất tử, xả khói, sẵn sàng gây sự với ai cả gan va chạm. Dĩ nhiên không phải lái xe buýt nào cũng vậy. Phụ họa với lái xe buýt là các phụ xế, như những cặp bài trùng, không hề kém cạnh nhau.
Lâu nay, dư luận rất bất bình về những lái và phụ xe buýt như vậy. Vài tuần, báo chí và mạng xã hội lại được hâm nóng vì những lái và phụ xe hung thần. Hết lái xe, phụ xe buýt đánh nhau; hành hung hành khách đến lái xe taxi các hãng hỗn chiến như các băng đảng. Đỉnh điểm là vụ lái xe buýt va chạm với xe gắn máy ở quận 10 TP.HCM ngày 27.10 vừa qua. Hai bên lời qua tiếng lại, lái xe buýt tự cho mình quyền “Thừa thiên hành đạo”, rút dao đâm trọng thương người đi xe gắn máy. Nạn nhân bỏ chạy, lái xe buýt còn đuổi theo sau đó bỏ mặc nạn nhân, thản nhiên lái xe tiếp tục. Nạn nhân được người đi đường đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng mất nhiều máu.
Xe buýt vừa chạy lấn tuyến, vừa vượt đèn đỏ ở TP Hồ Chí Minh - Ảnh: Duy Anh
|
Cứ như trong phim hành động của Mỹ. Lái xe buýt còn giang hồ hơn cao bồi miền viễn Tây Hoa Kỳ. Lái xe làm gì mà thủ sẵn dao, cứ như dân đồ tể chuyên mổ heo bò. Gây án xong, còn dửng dưng lên xe chạy tiếp, coi như không có chuyện gì xảy ra. Khoan bàn chuyện đúng sai khi va quệt giao thông, thì đâm người trọng thương là tội cố sát. Bỏ mặc nạn nhân không cứu giúp, lại là nạn nhân của mình thì tội gấp đôi. Cả hai tội đều phải xử theo luật hình sự. Đáng lẽ phải bắt giữ ngay thì chỉ bị đình chỉ công việc. Không khéo sau khi “phê bình sâu sắc” lại tiếp tục làm “bác tài”.
Trước đó, có nhiều vụ chỉ vì va quẹt qua loa nhưng lái xe taxi bất chấp giữa chốn đông người lao vào đánh người va chạm đến chấn thương phải nhập viện.
Ở nhiều nước, tài xế taxi và xe buýt được tuyển chọn rất gắt gao thông qua các kỳ thi, có chỉ tiêu và tiêu chí nghiêm ngặt. Nếu ai đã từng đến nước Nhật sẽ thấy các tài xế lái xe điện hay xe buýt ở đất nước này thường là những người rất điềm tĩnh, cẩn thận khi lái xe, khi khách lên hay xuống xe, lái xe đều gập người chào và cám ơn từng khách kèm nụ cười niềm nở. Sau thế chiến thứ 2, nước Nhật bị tàn phá tan hoang. Người Nhật đã sử dụng nụ cười làm vũ khí vượt qua khó khăn và đến nay vẫn được tiếp tục. Trong kỳ tích của người Nhật, nụ cười đã góp phần không nhỏ. Những lái xe buýt ở Nhật cũng ăn đứt mấy lần tinh thần và thái độ của các đồng nghiệp Việt Nam.
Thành phố đang nỗ lực giải bài toán kẹt xe. Giải pháp được ưu tiên là phát triển mạng lưới giao thông công cộng mà xe buýt là chọn lựa số 1. Lái xe như hung thần nên khách đi xe buýt ngày càng giảm là tất yếu. Bên cạnh việc nâng cấp chất lượng xe thì cần kíp và quan trọng hơn là phải nâng chất lượng phục vụ, nâng chất lái và phụ xe. Những điều này có thể làm ngay mà không tốn kém nhiều. Lái xe phải là những “Bác tài” đúng nghĩa. Nếu lái xe là “quái xế” phải xử phạt thật nặng. Người quản lý, tuyển dụng cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Lái xe - bác tài phải là nghề có điều kiện. Không thể giao sinh mạng mình, sinh mạng người thân của mình cho những quái xế kiểu hung thần như vậy.
Bình luận (0)