Tài xế say xỉn gây tai nạn: Tăng nặng hình phạt mới đủ sức răn đe

Ngọc Lê
Ngọc Lê
26/04/2019 09:03 GMT+7

Sau nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do tài xế say xỉn gây ra, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng cần phải tăng nặng hình phạt mới đủ sức răn đe.

Sau khi gây tai nạn chết người, tài xế vẫn còn say rượu

Ngày 23.4, Công an Q.Đống Đa, Hà Nội cho biết Cơ quan CSĐT vừa ra quyết định khởi tố vụ án "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", tạm giữ hình sự tài xế Đỗ Xuân Tuyên (49 tuổi, trú tại P.Ngọc Khánh, Q.Ba Đình, Hà Nội) để điều tra vụ xe 7 chỗ gây tai nạn liên hoàn trên đường Láng.
[VIDEO] Uống bia rượu. tài xế có thể ngồi tù 15 năm
Theo Công an Q.Đống Đa, bước đầu tài xế Tuyên khai do trước đó ở nhà có việc nên đã uống khoảng từ 5 - 7 cốc bia loại lớn. Sau khi đã uống bia, tài xế Tuyên điều khiển ô tô không còn làm chủ được tốc độ nên gây ra vụ tai nạn liên hoàn. Tài xế Tuyên khi tỉnh táo cho biết hiện đã ý thức được hành động do mình gây ra.
Theo báo cáo của Ban ATGT Hà Nội, tài xế Tuyên ở thời điểm ngay sau khi gây ra vụ tai nạn liên hoàn khiến 1 nữ công nhân vệ sinh tử vong có nồng độ cồn 1,041ml/lít khí thở, vượt mức quy định cho phép. Đến 9 giờ 23.4, tài xế Tuyên vẫn còn biểu hiện say và chưa thể làm việc với cơ quan công an.
Hay ngày 24.10.2018, Công an Q.Bình Thạnh (TP.HCM) khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Nga để điều tra hành vi Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo khoản 2 Điều 260 BLHS 2015 với mức phạt cao nhất 10 năm tù.
Trước đó, tối 21.10.2018 bà Nga uống rượu bia tại nhà hàng trên đường Pasteur (Q.3, TP.HCM). Khoảng 23 giờ, bà Nga lái BMW về nhà ở Q.12 (TP.HCM). Chạy trên đường Điện Biên Phủ với tốc độ khá nhanh, đến gần ngã tư Hàng Xanh, ô tô của bà Nga đâm vào 5 xe máy đang dừng đèn đỏ phía trước. Ô tô kéo lê người phụ nữ 38 tuổi một đoạn khá xa, húc vào chiếc taxi mới dừng lại. Nạn nhân tử vong tại chỗ. Tai nạn còn khiến 5 người khác bị thương, trong đó có hai thanh niên đang nguy kịch do chấn thương sọ não, cột sống cổ...
Kết quả đo nồng độ cồn của bà Nga lúc gây tai nạn lên đến 0,94 mg/l lít khí thở.
[VIDEO] Nữ tài xế BMW say rượu gây tai nạn thảm khốc ở Ngã tư Hàng Xanh (TP.HCM)

Mức phạt chỉ 10 năm tù có đủ mạnh?

Luật sư (LS) Nguyễn Thành Công (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết, nếu có nồng độ cồn trong máu lái xe gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng (Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% đến 201% trở lên) thì người đó sẽ bị xử lý theo điều 260 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ với khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm đến 15 năm tù.
“Khi điều khiển xe ô tô tham gia giao thông đường bộ mà người đó có nồng độ cồn đã là hành vi vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008. Nồng độ cồn càng cao thì chế tài phải chịu càng tăng", LS Công nhấn mạnh.
LS Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, theo khoản 2 điều 260 BLHS, nếu phạm tội thuộc trường hợp không có giấy phép lái xe theo quy định hoặc lái xe trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; Làm chết 2 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng, thì khung hình phạt tù là từ 3 năm đến 10 năm.

Đề xuất tăng mức hình phạt, thu bằng lái vĩnh viễn

Tuy nhiên, tài xế sử dụng rượu bia lái xe gây tai nạn giao thông, với mức phạt chỉ cao nhất là 10 năm tù như vậy thì theo LS Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) mức phạt chưa đủ sức răn đe, còn quá nhẹ. Vì vậy, LS Trang kiến nghị cần phải sửa luật để tăng mức xử phạt đối với tài xế uống bia rượu gây tai nạn nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; ngoài ra có thể đề xuất sẽ thu hồi vĩnh viễn bằng lái và cấm hành nghề lái xe với những tài xế gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, nếu áp dụng việc tước GPLX vĩnh viễn thì phải sửa nghị định và sửa luật.
[VIDEO] Nữ tài xế lái taxi chạy 107 km/h làm chết 3 người ở Lâm Đồng
LS Trang cho rằng với mức phạt tù như hiện nay quá nhẹ so với hành vi phạm tội của đối tượng gây ra.
LS Trang phân tích, hiện nay theo NĐ46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, khi lái xe gây tai nạn chết người, mức xử phạt cao nhất là 18 triệu đồng và phạt tù 3 - 10 năm, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị tịch thu bằng lái xe có thời hạn.
Như vậy, hiện nay chưa có quy định nào trong luật hay nghị định nào về việc tịch thu bằng lái vĩnh viễn hoặc tịch thu phương tiện của người gây tai nạn nghiêm trọng, việc cấm lái xe có thời hạn cũng chưa có. Vậy nên cần sửa đổi luật Giao thông đường bộ, NĐ 46 về xử lý VPHC về lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt để xử lý với tội phạm này.
Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết TNGT (Cục CSGT Bộ Công an) phân tích, việc tịch thu bằng lái, phương tiện của lái xe gây tai nạn nghiêm trọng đã từng được đặt ra cách đây nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa thể áp dụng được.
Giải thích lý do, đại tá Trần Sơn cho rằng, việc xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ hiện nay phải tuân thủ luật Xử lý vi phạm hành chính và NĐ 46. Nhưng từ thực tế việc xử lý vi phạm thì việc tạm giữ phương tiện, tước giấy phép lái xe đối với hành vi uống rượu bia, sử dụng ma túy rồi lái xe gây tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng thời gian qua là chưa đủ sức răn đe; vì vậy cần tăng chế tài mới răn đe được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.