Nhớ cảm giác chở khách
Hơn 10 giờ sáng, tài xế N.D.Đ (22 tuổi, trọ Q.Gò Vấp) dựng xe vào một góc đường Nơ Trang Long (P.12, Q.Bình Thạnh). Tại đây, không chỉ có anh Đ. mà nhiều tài xế khác cũng đang chăm chú nhìn vào màn hình điện thoại chờ đơn “nổ”.
Anh Đ. mong sớm được chở khách cải thiện thu nhập sau dịch Covid-19 |
CAO AN BIÊN |
Xe ôm công nghệ ở TP.HCM vẫn chưa được phép chở khách kể từ tháng 7 tới nay |
cao an biên |
Bắt đầu ra ngoài đi làm từ 8 giờ 30 phút, đến giờ anh Đ. chỉ có 1 đơn hàng, anh nói đợi lát nữa khi người dân có nhu cầu ăn trưa nhiều thì sẽ có nhiều đơn hơn. Bắt đầu đi làm trở lại từ ngày 15.10, anh tâm sự thu nhập giảm gần 70% so với trước khi dịch Covid-19. Hiện trung bình mỗi ngày anh giao 15 đơn, thu nhập dao động từ 200.000 - 250.000 đồng. Số tiền đó anh dùng để trang trải tiền trọ cũng như các chi phí xăng xe, ăn uống, sinh hoạt.
“Mà bây giờ cái gì giá cả cũng đắt đỏ, cái gì cũng tăng, nhất là tiền xăng nữa nên làm bao nhiêu thì dùng hết bấy nhiêu chứ cũng không để dành được nhiều. Nhưng sau dịch mà có được một công việc để sống cũng là cái may nên tôi chỉ biết cố gắng hết sức thôi”, anh tâm sự.
Nhiều lần, thấy người đi đường hỏi: “Có chở khách trở lại không?”, anh cũng nôn nóng mong được chở. Tuy nhiên vì quy định nên anh đành từ chối, chỉ có thể nhận hàng hóa đem giao. Anh Đ. cho biết rất nhiều anh em tài xế khách cũng mong chờ đến ngày được chở khách để có thêm thu nhập nuôi bản thân, gia đình.
Ông H. cả buổi sáng vẫn chưa có đơn nên vẫn đang chờ |
CAO AN BIÊN |
Anh P.V.H (35 tuổi, Q.Bình Thạnh) có 4 năm làm shipper, tuy không chở khách nhưng nghe nhiều đồng nghiệp than không có đơn, thu nhập giảm, anh cũng mong xe ôm công nghệ sớm được chở khách trở lại |
CAO AN BIÊN |
“Nhớ hồi còn được chở khách thấy vui ghê, mỗi vị khách là một câu chuyện, đôi khi mình cũng chia sẻ với họ được nhiều thứ trên đường đi. Nhưng quan trọng là chở khách thì sẽ có thêm tiền để trang trải”, anh bày tỏ.
Nghe anh Đ. nói, ông V.T.H (65 tuổi, ngụ Q.4, tài xế công nghệ) cũng cho biết ông rất mong chờ được chở khách vì thấy nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Chỉ vào chiếc điện thoại, ông kể từ 7 giờ sáng ông đã chạy từ nhà qua đây, đến giờ vẫn chưa có đơn nào. Theo ông nếu được chở khách thì có thể ông đã bận rộn từ sớm.
“Từ ngày 6.10 đi làm lại, nhiều người kêu tôi chở tới chỗ này chỗ kia tại họ không có xe đi mà tôi có dám, sợ bị phạt. Mỗi ngày chạy chừng 200.000 đồng mà bị phạt thì tiền đâu nuôi cháu nội, cháu ngoại. Mong sớm được cho phép chở khách chứ anh em ai cũng hóng hết”, ông nói thêm.
Nhiều tài xế quen thuộc với công việc chở khách nay chỉ có thể giao hàng hóa, món ăn |
CAO AN BIÊN |
Chạy xe ôm truyền thống gần 16 năm, làm tài xế xe ông công nghệ cũng ngót nghét 3 năm, ông H. xem nghề này như cái nghiệp của mình, không bỏ được. Ông nhớ lại những ngày được chở khách, tâm sự với họ nhiều câu chuyện đời mà cũng thấy vui. “Tất nhiên là khi chở khách mình cũng tuân thủ tốt các quy định phòng dịch để đảm bảo an toàn cho chính mình và cho khách nữa. Sống chung với dịch thì phải vậy thôi”, ông H. nhận xét.
Khách hàng cũng mong
Sau nhiều tháng phải làm việc online tại nhà vì dịch Covid-19, chị Nguyễn Thị Mỹ Châu (22 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) lại lên cơ quan đi làm từ ngày TP.HCM nới lỏng giãn cách. Trước dịch, chị thường xuyên gọi xe ôm công nghệ chở đến chỗ làm vì không thích tự đi xe. Thêm vào đó, đoạn đường từ nhà đến cơ quan không quá xa nên tiền xe cũng không quá cao.
Những ngày qua, xe ôm công nghệ vẫn chưa thể hoạt động lại được, chị Châu chọn cách nhờ bạn chở mình đến công ty, chiều lại rước về. “Bữa nào mà bạn bận thì tự lấy xe của mình đi, mà tôi tay lái vẫn còn yếu nên cũng hơi sợ. Chỉ mong là xe ôm công nghệ sớm chạy lại để việc đi làm của tôi dễ dàng hơn. Bây giờ mình cũng tiêm đủ 2 mũi vắc xin rồi nên cũng không quá lo”, chị bộc bạch.
Tương tự, anh Lưu Tuấn Tài (27 tuổi, TP.Thủ Đức) cũng tâm sự nhiều trường hợp bản thân cũng có nhu cầu đi xe ôm công nghệ sau dịch. “Nhiều lúc mình đi nhậu, họp mặt bạn bè mà lúc về đâu thể tự chạy xe, bị đo nồng độ cồn thì xui luôn. Lúc đó muốn bắt xe ôm công nghệ mà không có đành nhờ bạn tới rước hoặc bắt taxi về”.
Bình luận (0)