Taliban có khó dẹp bỏ 'công nghiệp' thuốc phiện ở Afghanistan

31/08/2021 14:00 GMT+7

Afghanistan là quốc gia có sản lượng thuốc phiện lớn nhất thế giới . Taliban đã tuyên bố sẽ dẹp bỏ ngành sản xuất và buôn bán thuốc phiện ở nước này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây là công việc khó khăn.

Lần gần nhất Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan, các cánh đồng anh túc mọc lên khắp nơi ở nước này. Năm 1999, 3 năm sau khi Taliban thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan, tổng sản lượng thuốc phiện thô của nước này ước tính đạt gần 4.600 tấn - hơn gấp đôi so với năm trước.

Gần một phần tư thế kỷ sau đó, Afghanistan vẫn là nước sản xuất thuốc phiện hàng đầu thế giới. Song, kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul của Afghanistan vào ngày 15.8, phát ngôn viên Zabihullah Mujahid của Taliban nhiều lần phát biểu rằng lực lượng này sẽ không cho phép sản xuất thuốc phiện hoặc các loại ma túy khác trong nước.

“Afghanistan sẽ không còn là quốc gia trồng cây thuốc phiện nữa”, The Washington Post dẫn lời ông Mujahid phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 17.8.

Lực lượng Taliban giàu cỡ nào?

Đây không phải việc dễ dàng. Afghanistan vào năm ngoái sản xuất 85% lượng thuốc phiện của thế giới, vượt xa Myanmar và Mexico, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc. Nước này cũng bị cáo buộc đóng vai trò chính trong việc cung cấp cần sa và methamphetamine trên toàn cầu.

Taliban từ lâu có mối quan hệ cộng sinh với việc buôn bán thuốc phiện, thứ có thể được dùng để tạo ra heroin. Những năm 1990, lực lượng này vẫn cho phép buôn bán thuốc phiện dù cấm cần sa cùng thuốc lá và tuyên bố 2 thứ này là haram (điều cấm kỵ) với tín đồ Hồi giáo.

Vậy lực lượng này đã đưa ra lý do gì để làm vậy? Theo Taliban, heroin phần lớn ảnh hưởng đến những người không theo đạo Hồi bên ngoài Afghanistan.

Học giả Haroun Rahimi tại Đại học Mỹ Afghanistan ở Kabul cho biết đây là cách diễn giải “linh hoạt” luật Hồi giáo. Taliban cần sự hỗ trợ của những kẻ buôn ma túy, nông dân và nguồn thu nhập từ đánh thuế sản xuất thuốc phiện.

Một nông dân Afghanistan đi trên cánh đồng anh túc ở ngoại ô Mazar-e Sharif vào tháng 4.2018

AFP

Dưới áp lực của phương Tây, Taliban đã cấm sản xuất thuốc phiện vào năm 2000. Tuy nhiên, sau khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan năm 2001, hoạt động sản xuất phát triển trở lại ở các khu vực do Taliban nắm giữ. Bất chấp việc Mỹ chi 9 tỉ USD để hỗ trợ các chiến dịch xóa bỏ thuốc phiện ở Afghanistan, sản lượng ở nước này vẫn đạt đỉnh ở mức khoảng 9.000 tấn vào năm 2017.

Song, Taliban không còn là chính phủ hà khắc như giai đoạn 1996-2001 hay lực lượng chống lại chính phủ do Mỹ hậu thuẫn ở Afghanistan như trước ngày 15.8. Ngày nay, Taliban quản lý khu vực rộng lớn hơn và đang nắm quyền kiểm soát một quốc gia nghèo đói đang hồi phục sau nhiều thập kỷ chiến tranh với dân số nghiện ma túy ở mức độ đáng kể.

Chuyên gia Robert Crews về Afghanistan tại Đại học Stanford cho biết tuyên bố của Taliban về thuốc phiện là một “hành động ngoại giao” nhằm thể hiện lực lượng này sẽ thành lập một chính phủ có trách nhiệm và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Nhiều năm sản xuất thuốc phiện

Cây anh túc (Papaver somniferum) có thể phát triển ở vùng nóng, khô và cần rất ít nước. Nhựa cây anh túc có thể được chế thành morphin và sau đó là heroin. Hai loại ma túy này đều dễ vận chuyển, khiến trồng cây anh túc trở thành lựa chọn hấp dẫn ở một đất nước có cơ sở hạ tầng yếu kém như Afghanistan.

Các học giả tìm thấy bằng chứng về việc thuốc phiện được sản xuất ở Afghanistan từ thế kỷ 18, nhưng ngành công nghiệp này chỉ bắt đầu phát triển mạnh sau khi Liên Xô đưa quân đến Afghanistan năm 1979.

Trước khi Taliban nắm quyền vào năm 1996, khoảng 59% sản lượng thuốc phiện toàn cầu - theo Liên Hiệp Quốc ước tính - đến từ Afghanistan. Dưới sự bảo trợ của Taliban, sản lượng thuốc phiện tăng nhanh chóng và khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ.

Tháng 7.2000. người sáng lập Taliban Mohammad Omar cấm trồng và buôn bán thuốc phiện để nhận được khoản trợ cấp 43 triệu USD từ quỹ chống ma túy của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, việc Mỹ đưa quân vào Afghanistan năm 2001 đã làm chính sách của ông Omar bị gián đoạn.

Thủy quân lục chiến Mỹ đi qua một cánh đồng anh túc trên đường đến Căn cứ Tuần tra Mohmon ở huyện Lui Tal của tỉnh Helmand tại Afghanistan vào ngày 17.4.2012

Chụp màn hình Stars and Stripes

Khi ngày càng nhiều khu vực nông thôn của Afghanistan nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ, diện tích trồng cây thuốc phiện tăng vọt. Những nỗ lực của Mỹ nhằm chấm dứt ngành công nghiệp này ở Afghanistan đã thất bại.

Theo The Washington Post, ngành sản xuất thuốc phiện ở Afghanistan không chỉ khó diệt trừ vì được Taliban “chống lưng”. Tờ báo này dẫn lời một cựu đặc vụ dẫn đầu đội chống ma túy của chính phủ Afghanistan cho biết vấn đề lớn nhất ở nước này là tham nhũng, và tham nhũng thì gắn liền với ma túy.

Khó dứt khỏi thuốc phiện

Rất khó để đánh giá vai trò của việc buôn bán thuốc phiện đối với chiến thắng của Taliban. Một số chuyên gia cho rằng số tiền thu được từ buôn bán thuốc phiện và quyền kiểm soát của Taliban với hoạt động này đã bị phóng đại. Vì phần lớn ma túy được xuất khẩu, các băng nhóm tội phạm bên ngoài Afghanistan là bên thu được lợi nhuận lớn nhất.

Nghiên cứu Viện Phát triển Hải ngoại (Anh) công bố vào đầu năm nay ước tính doanh thu của Taliban ở tỉnh Nimruz chuyên sản xuất thuốc phiện cho thấy lực lượng này thu được nhiều tiền qua đánh thuế hàng hóa và nhiên liệu (40,9 triệu USD tiền thuế) hơn là ma túy (5,1 triệu USD tiền thuế) vào năm 2020.

Theo Viện Phát triển Hải ngoại, thị trường ma túy quốc tế cũng đang chuyển dịch. Phần lớn doanh thu của ngành ma túy trong tỉnh Nimruz đến từ việc sản xuất methamphetamine thay vì thuốc phiện.

Người Afghanistan hoan nghênh quân đội nước ngoài rút quân, lo lắng về tương lai bất định

Chuyên gia Ibraheem Bahiss về Afghanistan của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế cũng chỉ ra rằng các tuyên bố gần đây của Taliban cho thấy nhóm này “sử dụng việc xóa bỏ ma túy như một con bài thương lượng để đổi lại viện trợ quốc tế”.

Ước tính Taliban thu được 39,9 triệu USD nhờ đánh thuế buôn bán thuốc phiện trong năm 2018. Trong khi đó, Mỹ cung cấp cho chính phủ Afghanistan khoảng 500 triệu USD viện trợ dân sự mỗi năm.

Hiện Taliban bị chặn quyền tiếp cận một số quỹ của chính phủ Afghanistan tại Mỹ. Vì vậy, lực lượng này cần mọi số tiền có thể huy động được.

Đến nay, Taliban vẫn chưa được Mỹ hay các cường quốc khác trên thế giới hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, việc dẹp bỏ hoạt động buôn bán thuốc phiện có thể giúp Taliban có đòn bẩy để đàm phán với láng giềng như Iran và Nga (điểm dừng chân tiếp theo của ma túy sau khi ra khỏi Afghanistan) hoặc châu Âu và Canada (nơi thuốc phiện được chuyển thành heroin).

Nạn nghiện thuốc phiện gây ra nhiều thiệt hại cho xã hội Afghanistan. Một khảo sát năm 2015 kết luận rằng Afghanistan có 2,9-3,6 triệu người sử dụng ma túy. Điều này khiến Afghanistan có số người dùng ma túy trên bình quân đầu người khá cao.

Một cảnh sát Afghanistan đứng gác gần số chất gây nghiện bị tiêu hủy ở ngoại ô Kabul năm 2010

AFP

Chính phủ Afghanistan đã gặp khó khăn khi đối mặt những vấn đề này, và giờ đây Taliban cũng thế. “Với nhiều cộng đồng, việc trồng cây thuốc phiện là sinh kế”, chuyên gia Crews từ Đại học Stanford cho biết. Chuyên gia này nói thêm rằng Taliban có thể phải xung đột với người trồng thuốc phiện trên khắp Afghanistan. Nhóm người này vốn đang gặp khó khăn về kinh tế do hạn hán và đại dịch Covid-19.

“Taliban có thể sử dụng vũ lực, nhưng có giới hạn. Nếu sử dụng vũ lực, Taliban sẽ chống lại những người ủng hộ mình”, học giả Rahimi nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.