Cả ở biểu hiện bề ngoài lẫn trong thực chất, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng trong chuyến thăm Ấn Độ mới rồi. Trong số những đối tác chiến lược ngoài diện đồng minh quân sự của Mỹ, cặp quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ hiện xem ra tốt đẹp hơn cả.
Tổng thống Mỹ Barack Obama vui vẻ trò chuyện với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải)
trong một buổi gặp gỡ tại phủ tổng thống ở New Dehli hôm 26.1 - Ảnh: Reuters
trong một buổi gặp gỡ tại phủ tổng thống ở New Dehli hôm 26.1 - Ảnh: Reuters
Cho dù Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mới nhậm chức chưa đầy nửa năm và trước đó còn bị Mỹ liệt vào diện cấm nhập cảnh, ông Modi và ông Obama đã thể hiện hình ảnh và tạo ấn tượng rất thân thiết, tin cậy nhau trong chuyến thăm. Thỏa thuận về hợp tác hạt nhân được ký kết chấm dứt sự trì trệ và bế tắc trong vấn đề này suốt 6 năm nay và thỏa thuận về mua bán cũng như hợp tác chế tạo vũ khí đều là những đột phá với ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với cả hai nước. Xem ra, tâm đầu ý hợp không chỉ có giữa ông Modi và ông Obama mà còn ở cả phương diện những lợi ích chiến lược lâu dài của hai bên.
Đối phó với Trung Quốc là một mục tiêu rất quan trọng nhưng không phải duy nhất của thời kỳ trăng mật đang mở ra trong quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ. Ấn Độ trông chờ vào đầu tư và công nghệ của Mỹ để phát triển kinh tế. Mỹ muốn vững chân và có phần lớn trên thị trường ở Ấn Độ trong bối cảnh bị cạnh tranh quyết liệt. Mỹ cần Ấn Độ để cân bằng quan hệ với Pakistan và Ấn Độ dùng Mỹ để chơi con bài đối trọng. Cả hai muốn dựa vào nhau để đối phó với những thách thức về an ninh ở trên biển, ở Nam Á và Tây Á. Vì thế mọi mắc mớ khác đều không còn cản trở cặp quan hệ này.
Bình luận (0)