Tạm dừng thi công hạng mục xâm hại di tích lịch sử cấp quốc gia

12/03/2014 09:31 GMT+7

(TNO) Sáng 12.3 Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP.Đà Nẵng cho hay cơ quan này đã yêu cầu đơn vị thi công tạm dừng hạng mục đường nội bộ phía tây công trình Trung tâm hành chính TP.Đà Nẵng do xâm hại đến di tích thành Điện Hải.

(TNO) Sáng 12.3 Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) TP.Đà Nẵng cho hay đã yêu cầu đơn vị thi công tạm dừng hạng mục đường nội bộ phía tây công trình Trung tâm hành chính TP.Đà Nẵng do xâm hại đến di tích thành Điện Hải.

Trước đó, chiều 11.3, ông Hà Phước Mai, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng phát hiện các đơn vị thi công đường bao phía tây Trung tâm hành chính TP.Đà Nẵng đưa máy móc đào sát vách thành Điện Hải, nằm phía ngoài bảo tàng.

 xâm hại di tích Thành Điện Hải - Ảnh Nguyễn Tú
Tường thành Điện Hải bị đào sát vách

Việc san ủi đã làm sập lối đi bộ sát bờ thành vốn dành cho khách tham quan di tích tường thành.

Ở một góc thành, cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi cũng bị xén rễ, nằm chênh vênh mà theo ông Hà Phước Mai có thể sập đổ bất cứ lúc nào kéo theo dãy tường thành.

 xâm hại di tích Thành Điện Hải - Ảnh Nguyễn Tú
Cây đa cổ thụ cùng hệ tam cấp lên am thờ bị xén rễ, đào sụt móng, hở hàm ếch rất dễ sụp đổ

Trong khi đó, cây đa này đang được Trung tâm di sản Đà Nẵng lập hồ sơ đề nghị công nhân đây là Cây di sản Việt Nam.

Bên cạnh yêu cầu tạm dừng thi công, Sở VH-TT-DL còn báo cáo đề nghị UBND TP.Đà Nẵng điều chỉnh quy hoạch, giảm chiều rộng đường nội bộ 10,5 mét này, cách xa Thành Điện Hải, cây đa cổ thụ ít nhất 3 mét để đảm bảo an toàn.

 xâm hại di tích Thành Điện Hải - Ảnh Nguyễn Tú
Một đoạn đường đi bộ dành cho du khách tham quan tường thành bị sập và ngổn ngang vật liệu xây dựng

Trước đó, cuối năm 2011 trong lúc thi công công trình Trung tâm hành chính TP.Đà Nẵng, đơn vị thi công cũng đã gây ra nhiều điểm lún, nứt trên đoạn tường thành phía đông, đông bắc và phía bắc.

Thành Điện Hải xây dựng năm 1813 (năm Gia Long thứ 12) gần cửa biển Đà Nẵng và dời vào đất liền năm 1823 (năm Minh Mạng thứ 4), là đồn lũy trọng yếu những ngày đầu chống thực dân Pháp (1858 - 1860) gắn liền với tên tuổi danh tướng Nguyễn Tri Phương và đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Nguyễn Tú

>> Dỡ bỏ công trình kiến trúc xâm hại di tích lịch sử Nước Oa
>> Hiện vật 'lạ' ở đền Phù Đổng: Kiểm điểm trách nhiệm Ban Quản lý di tích đền
>> Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh là di tích quốc gia đặc biệt
>> Lập hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương
>> Phật viện Đồng Dương được đề nghị là di tích quốc gia đặc biệt
>> Phục chế các án thờ tại di tích cố đô Huế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.