Tạm gỡ quy định dừng tuyển lao động sang Hàn Quốc đối với một số địa phương

Thu Hằng
Thu Hằng
08/01/2024 16:08 GMT+7

Việc tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc đợt 1 năm 2024 sẽ diễn ra trên phạm vi toàn quốc, không áp dụng các biện pháp tạm dừng tuyển chọn tại các địa phương có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao như những năm trước.

Đây là điểm mới nhất trong Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) được bà Phạm Ngọc Lan, Phó giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết ngày 8.1.

Tạm gỡ quy định dừng tuyển lao động sang Hàn Quốc đối với một số địa phương- Ảnh 1.

Lao động chuẩn bị xuất cảnh sang Hàn Quốc

T.H


Lao động có người thân cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc không được dự tuyển chương trình EPS

Theo lãnh đạo Trung tâm Lao động ngoài nước, Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) vừa thông báo tổ chức kỳ thi tiếng Hàn đợt 1 năm 2024.

Đợt này, phía Hàn Quốc thông báo tuyển chọn 15.374 người (sản xuất chế tạo: 11.276 người; nông nghiệp: 895 người; xây dựng: 200 người; ngư nghiệp: 3.033 người).

Bà Lan cho hay, khi thông báo chương trình, Trung tâm Lao động ngoài nước đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, cạnh đó cũng nhiều vấn đề người lao động chưa hiểu rõ, có ý kiến thắc mắc về chương trình.

Ngoài chỉ tiêu tuyển dụng năm nay tăng hơn 3.000 lao động so với năm 2023, một điểm đáng chú ý là việc tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc đợt này diễn ra trên phạm vi toàn quốc, không áp dụng các biện pháp tạm dừng tuyển chọn tại các địa phương như những năm trước đây, trừ một số ngành thiểu số đặc thù như nông nghiệp, ngư nghiệp.

"Sau nhiều lần đàm phán, cuối cùng phía Hàn Quốc cũng đã đồng ý tạm gỡ bỏ áp dụng các biện pháp dừng tuyển lao động đối với các địa phương có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng nhưng chưa về nước. Tuy nhiên, những người lao động có thân nhân gồm: bố mẹ, vợ chồng, con, anh, chị, em ruột đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sẽ không được tham dự chương trình EPS", bà Lan thông tin.

Cụ thể, người lao động tại các địa phương bị tạm dừng tuyển chọn trước đây nhưng nay tiếp tục được thi tuyển gồm: 2 huyện Nghi Xuân và Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh); TP.Chí Linh (Hải Dương), các huyện Đông Sơn và Hoằng Hóa (Thanh Hóa); TX.Cửa Lò và các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên (Nghệ An).

Mở rộng tuyển lao động nông nghiệp tại 13 tỉnh ĐBSCL

Một điểm mới đáng chú của chương trình EPS năm 2024, theo là Lan, chính là mở rộng đối tượng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trước đây, chương trình chỉ tuyển lao động tại 74 huyện nghèo và 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, người dân tộc thiểu số; lao động đã từng làm việc trong ngành nông nghiệp tại Hàn Quốc về nước đúng hạn hợp đồng.

Năm nay, Chương trình EPS sẽ mở rộng tiếp nhận lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đối với 13 tỉnh ĐBSCL, gồm: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

Trước thông tin một số cá nhân thông báo, năm 2024 Hàn Quốc sẽ tuyển chọn lao động trong ngành logistics theo Chương trình EPS, bà Phạm Ngọc Lan khẳng định: "Hàn Quốc có kế hoạch tiếp nhận lao động để làm các công việc nâng hạ, bốc dỡ hàng hóa thuộc ngành dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay, Hàn Quốc đang tiếp nhận lao động Việt Nam làm việc trong các ngành sản xuất chế tạo, nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng, đóng tàu, Việt Nam chưa phái cử lao động sang Hàn Quốc làm việc trong nhóm ngành dịch vụ".

Bà Phạm Ngọc Lan khuyến cáo, tại Việt Nam, Bộ LĐ-TB-XH giao Trung tâm Lao động ngoài nước là cơ quan duy nhất phối hợp với HRD Korea triển khai tuyển chọn phái cử lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (người lao động được cấp visa E9).

Người lao động cảnh giác trước các thông tin sai sự thật; nếu có nhu cầu tham gia Chương trình EPS đi làm việc tại Hàn Quốc phải tìm hiểu kỹ thông tin, quy trình, chi phí tại các sở LĐ-TB-XH, trung tâm dịch vụ việc làm địa phương hoặc tại website của Trung tâm Lao động ngoài nước tại địa chỉ www.colab.gov.vn.

Lao động chưa tốt nghiệp THPT vẫn có thể đăng ký tham dự

Người lao động đăng ký tham gia chương trình EPS sẽ phải tham dự 2 vòng thi: tiếng Hàn; kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực.

Thời gian tiếp nhận đăng ký dự thi: từ 26 - 30.1 (5 ngày, bao gồm thứ bảy và chủ nhật). Thời gian tổ chức thi vòng 1 (dự kiến): từ 5.3 - 14.6.

Sau khi thi đỗ qua 2 vòng thi tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề, được chủ sử dụng lao động lựa chọn và ký hợp đồng, người lao động mới đóng chi phí xuất cảnh bằng tiền Việt tương đương 630 USD và 390.000 đồng (bao gồm chi phí hành chính, vé máy bay, chi phí dịch vụ xin visa và chi phí xin visa).

Người lao động tham gia chương trình cần đáp ứng các điều kiện: từ 18 - 39 tuổi; không có án tích theo quy định của pháp luật; chưa từng bị trục xuất khỏi Hàn Quốc; không bị cấm xuất cảnh Việt Nam.

Chương trình EPS không quy định về trình độ học vấn đối với người lao động, vì vậy, chưa tốt nghiệp THPT vẫn có thể đăng ký tham dự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.