Vì thế ở nông thôn, vai trò của Đoàn thanh niên là rất quan trọng, sẽ trở thành “bà đỡ mát tay” hỗ trợ thanh niên lập nghiệp qua việc thông tin về thị trường, quảng bá thương hiệu, kết nối tiêu thụ, hỗ trợ vay vốn chính sách, giới thiệu các mô hình tốt để học tập kinh nghiệm.
Anh Minh Hoàng cho biết về chính sách, T.Ư Đoàn cần phối hợp với các bộ, ban ngành, có chính sách hỗ trợ thanh niên áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp, nhất là phần nhật ký điện tử giúp chuyển đổi số trong nông nghiệp. Về vĩ mô, việc phổ cập sử dụng nhật ký điện tử đối với nông dân, mà đại diện là thanh niên, giúp địa phương hệ thống hóa số liệu, chủ động kết nối cung - cầu. Cũng như xây dựng chuỗi kết nối các nông dân với kênh thu mua cuối cùng, giảm bớt khâu trung gian, mang lại tính ổn định cho các sản phẩm của địa phương.
Đặng Dương Minh Hoàng bên trang trại của mình |
Quốc Duy |
Anh Hoàng đề nghị T.Ư Đoàn phối hợp với các ngân hàng, các tổ chức tài chính công khai, công bố rộng rãi các chương trình hỗ trợ, cho vay ưu đãi… tới thanh niên và doanh nghiệp. Và nên phối hợp với Bộ NN-PTNT hỗ trợ nông dân, mà đại diện là thanh niên, xây dựng mã vùng trồng với tất cả các loại cây ăn trái đặc sản của Việt Nam và làm mô hình xuất khẩu chính ngạch vào thị trường các nước, đặc biệt là ASEAN và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, anh Hoàng cho rằng hiện nay nguồn vốn hỗ trợ thanh niên lập nghiệp thông qua ngân hàng chính sách chưa cho thấy được vai trò, giá trị của mình, đặc biệt việc thẩm định giá đất ở một số địa phương rất thấp (có những địa phương, chỉ khoảng 30.000 đồng/m2 đối với đất trồng cây lâu năm), trong khi thủ tục vay vốn rất phức tạp, điều này vô tình làm cản trở quá trình khởi nghiệp của thanh niên. Vì vậy, nguồn vốn này cần được giải ngân với cơ chế thoáng hơn, tương đương với các ngân hàng thương mại cổ phần, để hỗ trợ thanh niên có cơ hội phát triển kinh tế hơn nữa.
Để đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, T.Ư Đoàn cần kiến nghị Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam bảo trợ và phát động phong trào “Doanh nghiệp trẻ đồng hành cùng nông dân trẻ” trong việc thực hiện chuyển đổi số để nâng tầm nông sản Việt. Thực sự với nông nghiệp, “chuyển đổi số là chuyến tàu không thể lỡ”. Muốn tiết giảm chi phí, giảm bớt các khâu trung gian, minh bạch lý lịch sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất, người thu mua, người tiêu dùng có thể giám sát từ xa… thì chuyển đổi số là con đường tất yếu.
Cũng theo anh Hoàng, cần có những gói ưu đãi cho thanh niên thuê đất phát triển kinh tế. Nhiều mô hình thực hiện rất tốt, cần có quỹ đất để mở rộng hoạt động, nhưng nguồn lực hạn chế nên rất khó phát triển lớn mạnh lên được. Nên chăng, cần có những gói ưu đãi cho thuê đất nông nghiệp tại các vùng nông thôn để các bạn trẻ có thể tiếp cận, được ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế? Hay chúng ta đề xuất để có cơ chế dồn điền đổi thửa thuận lợi hơn, để các mô hình thành công ở nông thôn có thể quy tụ được quỹ đất lớn hơn, mở rộng sản xuất kinh doanh mạnh mẽ hơn.
“Tôi mong muốn xây dựng, kết nối được một lực lượng nông dân trẻ của Việt Nam có năng lực vươn ra thế giới. Chúng tôi là những người trẻ nhiệt huyết, có năng lực ngoại ngữ, am hiểu công nghệ, sẵn sàng đi ra thế giới để xây dựng thị trường cho nông sản Việt. Cũng như sẵn sàng kết nối các du học sinh, kể cả người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, hình thành một mạng lưới tiêu thụ, kể cả đầu tư nông nghiệp, ẩm thực ở nước ngoài. Tôi tin rằng người trẻ Việt Nam sẽ sẵn sàng dồn hết tâm huyết để cùng nhau xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam vươn tầm thế giới”, anh Hoàng tâm huyết.
Bình luận (0)