>> Tầm nã tội phạm - Kỳ 8: Kẻ sát nhân đào hoa
>> Tầm nã tội phạm - Kỳ 7: 20 năm giấu mình trên biển
>> Tầm nã tội phạm - Kỳ 6: Kẻ giết người đội lốt trưởng thôn
>> Tầm nã tội phạm - Kỳ 5: Phút hối cải sau 25 năm trốn chạy
>> Tầm nã tội phạm - Kỳ 4: Cuộc truy lùng 22 năm
>> Tầm nã tội phạm - Kỳ 3: Hành trình của kẻ vượt ngục
>> Tầm nã tội phạm - Kỳ 2: Cô giáo 17 năm trốn chạy
>> Tầm nã tội phạm: Bước sa chân của một cán bộ phụ nữ
Rủ nhau đi cướp
Theo hồ sơ truy nã, Tuấn là đối tượng đặc biệt nguy hiểm. Ngoài các tiền án, tiền sự về hành vi trộm cắp và cướp tài sản, Tuấn còn là nghi can tham gia nhiều vụ cướp có vũ khí từ năm 1993, do tên Liêm cầm đầu.
|
Trong một lần đến H.Thốt Nốt (nay là Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) để tìm những gia đình khá giả lên kế hoạch cướp tài sản, Liêm đã quen với Tuấn. Sau những lần đến nhà Tuấn ăn nhậu, Liêm nói kế hoạch tổ chức cướp của mình và khoe có khẩu súng colt 45. Ông Nguyễn Vinh Quang, cha của Tuấn liền ủng hộ kế hoạch của Liêm, đồng thời kêu Tuấn phải “giúp đỡ” Liêm.
Tháng 2.1993, Liêm cùng các tên: Tuấn, Hậu, Quang chuẩn bị kế hoạch đánh cướp nhà anh Lê Văn Tánh (ấp An Lợi, xã Thạnh Phú, H.Thốt Nốt).
Ngày 24.2.1993, Quang cầm khẩu súng carbin, Liêm cầm khẩu colt 45; Hậu, Tuấn cảnh giới, phục kích tại nhà anh Tánh, chờ khi hết chương trình truyền hình sẽ ra tay. Đến 22 giờ 45, Quang gọi cửa nhà anh Tánh xin mượn hộp quẹt đốt thuốc. Anh Tánh mở cửa sổ đưa hộp quẹt cho Quang; Liêm chĩa súng vào đầu anh Tánh nhưng anh Tánh nhanh trí tránh được, tắt đèn và tri hô nên cả bọn bỏ chạy.
Một đêm khác, Liêm dẫn đàn em đến nhà anh Lê Văn Quang (ngụ cùng xóm với anh Tánh) để cướp tài sản. Lần này, ngoài khẩu súng, Liêm còn mang theo quả lựu đạn, Tuấn mang dao. Sau khi đột nhập vào nhà nạn nhân, Liêm dùng súng khống chế cả gia đình, gom hết tài sản rồi tẩu thoát. Trước khi rút đi, bọn chúng còn bắn vài phát súng cảnh cáo.
Ngày 17.9.1993, Cơ quan CSĐT, Công an Cần Thơ ra quyết định khởi tố vụ án và thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Liêm và đồng bọn, thu hồi được toàn bộ số vũ khí gây án. Riêng Bùi Văn Tuấn kịp bỏ trốn. Năm 1994, TAND TP.Cần Thơ đã đưa ra xét xử và tuyên phạt tử hình 2 bị cáo trong băng cướp trên. Ngày 15.1.1994, Cơ quan CSĐT, Công an TP.Cần Thơ ra quyết định truy nã toàn quốc đối với Tuấn.
Đuổi hình, bắt bóng
Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an TP.Cần Thơ đã xác lập chuyên án, bằng mọi giá phải bắt được Tuấn. Thiếu tá Nguyễn Thành Trung, Đội trưởng Đội truy bắt đối tượng truy nã tội phạm về TTXH được phân công trực tiếp lần theo dấu tên cướp. Xác định Tuấn là đối tượng nguy hiểm, thiếu tá Trung cùng các trinh sát lên kế hoạch truy tìm nơi ẩn náu của Tuấn tại khắp các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Khi có thông tin đối tượng đang lẩn trốn tại An Giang, thiếu tá Trung đóng giả người làm thuê đến đây để tiếp cận Tuấn, nhưng vẫn không tìm ra tung tích của y. Rồi có tin Tuấn đang làm công nhân tại một khu công nghiệp ở TP.HCM, thiếu tá Trung tiếp tục lân la các phòng trọ ở khu công nghiệp, nhưng vẫn chưa “chạm mặt”, bởi các trinh sát đều chậm hơn đối tượng “một nhịp”…
Sau những ngày cất công tìm Tuấn vẫn không có kết quả, thiếu tá Trung báo cáo với ban chuyên án đổi kế hoạch. Thiếu tá Trung nhận định, nếu Tuấn còn sống thì y chắc chắn sẽ liên lạc với gia đình, người thân. Vì vậy, Ban chuyên án đồng ý kế hoạch tiếp cận với người thân của Tuấn để lần ra đối tượng.
Tháng 5.2011, trong vai người bạn của Tuấn, thiếu tá Trung nhiều lần đến gặp ông Quang (cha của Tuấn) và cho biết, trước đây anh có hùn hạp làm ăn với Tuấn; do Tuấn còn thiếu mình một số tiền, trong khi đó nhiều người khác còn nợ Tuấn số tiền lớn; biết được hiện nay Tuấn đang khó khăn nên anh xin số điện thoại để hỏi ai còn nợ Tuấn để đòi giùm. Ban đầu, ông Quang chối: “Nó đi biệt tăm mười mấy năm, tôi không biết nó ở đâu thì làm sao có số điện thoại được”. Sau đó, mỗi lần đến nhà ông Quang, thiếu tá Trung đều mua quà. Thấy “chiến hữu” của con mình nhiệt tình, ông Quang mới nói thật, hiện không biết Tuấn ở đâu, chỉ liên lạc qua số điện thoại…
Sau đó, thiếu tá Trung nhiều lần liên lạc qua điện thoại và tìm cách tiếp cận, tuy nhiên Tuấn lại tỏ ra khá khôn ngoan, không đồng ý gặp mặt, dù đã được ông Quang cho biết trước. Có lần, hẹn gặp tại TP.HCM, nhưng y lại không đến. Ngày 6.8.2011, bằng nghiệp vụ thông tin, lực lượng truy nã biết Tuấn đang có mặt tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai). Trung tá Đặng Công Chức, thiếu tá Trung cùng tổ trinh sát lên đường để truy bắt đối tượng. Sau nhiều ngày kết hợp cùng công an địa phương “khoanh vùng” để truy tìm, nhưng vẫn không lần ra tung tích Tuấn. Trong một lần làm việc với Công an P.Tân Hiệp, lực lượng truy nã đề nghị cung cấp hết địa chỉ của những người hiện ngụ tại địa phương có tên Tuấn. Sau đó, qua nhận dạng ảnh truy nã, Công an P.Tân Hiệp xác định có một người tên Trần Văn Tuấn (quê ở An Giang), đang làm việc tại một khu chế xuất, nhà riêng tại tổ 14, KV.1, P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa, có nhận dạng tương đối giống với đối tượng Công an Cần Thơ đang truy tìm.
Tuy nhiên, khi đọc lệnh bắt, Tuấn và gia đình đã phản đối, cho rằng công an đã bắt nhầm và đưa ra giấy CMND tên Trần Văn Tuấn (SN 1970, ngụ xã Đào Hữu Cảnh, H.Châu Thành, An Giang) để chứng minh mình không phải là đối tượng đang bị truy nã.
Lật ngửa bài
Sau khi bị dẫn giải về TP.Cần Thơ, qua đấu tranh, Trần Văn Tuấn đã thừa nhận y chính là Bùi Văn Tuấn và khai sau khi gây án, biết đồng bọn đã bị bắt, y bỏ trốn qua nhiều địa phương. Trong thời gian lẩn trốn và làm thuê tại An Giang, Tuấn đã nhận ông Năm Ký (ngụ tại xã Đào Hữu Cảnh, H.Châu Thành, An Giang) làm cha nuôi. Thấy Tuấn tỏ ra hiền lành, chăm chỉ làm ăn, nên ông Năm Ký đã cho Tuấn nhập hộ khẩu với gia đình. Nhờ vậy, Tuấn làm giấy CMND mới với tên là Trần Văn Tuấn, sau đó kết hôn với một phụ nữ tại H.An Phú, An Giang và có 2 con. Một thời gian sau, y cùng vợ con đến TP.Biên Hòa sinh sống.
Trước khi bị dẫn giải về trại giam, Tuấn tâm sự với thiếu tá Trung: “Tôi không ngờ hơn 18 năm lẩn trốn, dù đã thay đổi cả nhân thân và xóa mọi dấu vết, cũng không thoát khỏi sự truy tìm” .
Mai Trâm
Bình luận (0)