Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3, trả lời:
Thời tiết quá nóng nực khiến nhiều người nghĩ đến việc đi tắm ngay để làm mát cơ thể, làm sạch mồ hôi, thư giãn. Tuy nhiên, cần thận trọng vì việc này có thể gây nguy cơ nặng thì đột quỵ, nhẹ thì bị cảm (nhức đầu, sổ mũi…).
Sai lầm khi tắm ngay sau khi đi nắng
"Khi mới đi ngoài trời nắng về, cơ thể toát mồ hôi và tỏa nhiệt, cơ thể ướt mồ hôi ngoài da, thấm vào quần áo, tạo cảm giác ướt và nhớt khó chịu, bức bối. Nếu tắm ngay lúc này sẽ làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Mồ hôi không thoát được ra ngoài làm giảm thân nhiệt, dễ gây cảm lạnh", bác sĩ Vũ chia sẻ.
Theo đó bạn nên đợi ít nhất khoảng 20 phút để mồ hôi khô rồi mới tắm. Cơ thể có cơ chế điều nhiệt tự động, thân nhiệt trung bình khoảng 37 độ C, khi nhiệt độ quá cao thì việc tiết mồ hôi được kích hoạt, lỗ chân lông giãn nở để tiết mồ hôi, làm thân nhiệt giảm xuống.
Tương tự, sau khi tập thể thao cũng không nên tắm nước lạnh ngay, các mao mạch đang giãn nở để tỏa nhiệt, cơ thể gặp nước lạnh, mạch máu bên ngoài tự động co lại, làm cho huyết áp tăng lên, dẫn đến nguy cơ đột quỵ.
Thời tiết nắng nóng tại TP.HCM những ngày gần đây |
Lê Cầm |
Làm gì để dễ chịu hơn sau khi đi nắng?
Trong quá trình luyện tập thể thao hoặc khi đi ngoài trời nắng nóng về nhà, cần bổ sung nước cho cơ thể liên tục, uống theo từng ngụm và chia đều thời gian uống, không nên uống một lần quá nhiều nước.
Ngồi trong nhà nghỉ ngơi, uống một ly nước mát (nước lọc, sinh tố…) hoặc ăn trái cây. Không nên dùng nhiều đá lạnh vì lâu dài gây ảnh hưởng niêm mạc hầu họng, đường tiêu hóa, có thể gây sốc nhiệt. Lấy khăn mát lau mồ hôi, chừng 30 phút rồi hãy đi tắm. Không nên để quạt hoặc máy lạnh thổi trực tiếp vào cơ thể (tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột). Khi tắm không nên xối nước từ trên đầu xuống, nên làm ướt vùng chân, tay trước.
Sau khi đi nắng, nên nghỉ ngơi lau mồ hồi, chỉ nên tắm sau 30 phút và không nên tắm từ đầu xuống |
SHUTTERSTOCK |
Sau tắm, không ra gió hoặc vào phòng máy lạnh nhiệt độ quá thấp, cũng là cách tránh việc thay đổi nhiệt độ đột ngột cơ thể không kịp thích nghi.
Ngoài ra không nên để điều hòa nhiệt độ quá thấp, thay đổi trạng thái cơ thể từ nhiệt độ cao sang môi trường có nhiệt độ thấp, gây choáng váng cho cơ thể. Khi ở phòng điều hòa, nhiệt độ không đủ cao để mồ hôi bốc hơi, do đó mồ hôi dễ thấm ngược lại và gây cảm lạnh. Mạch máu có thể bị co đột ngột dẫn đến tình trạng tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ.
Bình luận (0)