Tạm ngừng phiên tòa trong sự vui mừng của đại diện nguyên đơn

Thanh Đông
Thanh Đông
22/08/2020 16:42 GMT+7

Sáng 20.7, TAND Q.7 tuyên bố tạm ngừng phiên xử "tranh chấp tài sản bán đấu giá" giữa Công ty TNHH SX&TM Thiên Phú và Công ty CP DV đấu giá Nam Sài Gòn trong tiếng vỗ tay của đại diện Công ty Thiên Phú.

Sáng 20.8, khi mở lại phiên tòa, Thẩm phán Lê Thị Phơ, chủ tọa phiên tòa cho biết, Viện kiểm sát Nhân dân Q.7 (VKSND Q.7, TP.HCM) có văn bản đề nghị TAND Q.7 xác minh, thu thập chứng cứ các nội dung như: UBND tỉnh Bình Dương có ý kiến về chuyển nhượng dự án Hòa Lân bằng hình thức bán đấu giá cũng như đấu giá diện tích đất được nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất trong dự án Hòa Lân hay không? TAND Q.7 chưa có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho ý kiến về việc xử lý vấn đề vay vốn bằng vàng giữa Agribank cho Thiên Phú, chưa trưng cầu giám định về tính lãi vay.
Do thấy cần làm rõ các đề nghị của VKSND Q.7, HĐXX thông báo sẽ hội ý. Sau 15 phút, Thẩm phán Lê Thị Phơ tuyên bố tạm ngừng phiên toà trong tiếng vỗ tay, ủng hộ của đại diện Thiên Phú, còn các đương sự khác thì tỏ ra rất chán chường.
Đại diện bị đơn - Công ty Nam Sài Gòn bức xúc: “Việc đưa ra các lý do để tạm ngừng phiên tòa là hành vi cố ý nhằm kéo dài vụ kiện. Rõ ràng, đại diện VKSND Q.7 có mặt và tham gia từ đầu vụ kiện cũng như các phiên họp giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ. Tại sao những nội dung này không được VKSND Q.7 đề nghị làm rõ trong giai đoạn chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử mà đợi đến hôm nay mới đề nghị, gây ảnh hưởng đến bị đơn và các đương sự khác?".
Đại diện Công ty Kim Oanh nói: “Thứ nhất, theo quy định tại Khoản 4, Điều 91 Bộ Luật tố tụng dân sự đã quy định, đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc. Vụ kiện này có thời gian chuẩn bị xét xử hơn 1 năm, đưa ra xét xử từ tháng 3.2020 đến nay với gần 10 phiên xét xử. Những vấn đề về lãi vay giữa Thiên Phú và Agribank đã được trình bày bằng miệng tại phiên tòa và văn bản. Như vậy, về chứng cứ, thông tin của các bên về lãi vay, theo quan điểm của Công ty Kim Oanh là đã đầy đủ. Nếu HĐXX nhận thấy rằng, Thiên Phú hay Agribank chưa cung cấp đầy đủ chứng cứ thì họ phải chịu trách nhiệm về việc này, HĐXX có toàn quyền xét xử trên hồ sơ hiện có. Thứ hai, việc tính lãi vay là quan hệ giữa Thiên Phú và Agribank và căn cứ để tính lãi là Hợp đồng vay, theo nhận thức về pháp luật của chúng tôi, không thấy cơ quan nào đi giám định việc tính lãi của hợp đồng vay. Thứ ba, vụ án này đã kéo dài quá lâu rồi, gây quá nhiều thiệt hại cho Công ty Kim Oanh, các chứng cứ, tài liệu…của các bên đã nộp hết cho tòa rồi. Vì vậy, việc tòa tạm ngừng phiên tòa để thu thập chứng cứ là không cần thiết, đề nghị HĐXX tiếp tục phiên tòa".
Đại diện Agribank và các đương sự khác (ngoại trừ đại diện Thiên Phú) đều bức xúc và muốn trình bày ý kiến với HĐXX. Tuy nhiên, Thẩm phán Lê Thị Phơ - Chủ Tọa phiên tòa nhanh chóng tuyên bố kết thúc và rút vào trong.

Tiến trình của vụ kiện

Ngày 14.2.2019, Thiên Phú nộp đơn khởi kiện tại TAND Q.7, TP.HCM yêu cầu hủy kết quả đấu giá tài sản là dự án Hòa Lân và tuyên hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá dự án Hòa Lân vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật.
Ngày 10.3.2019, Thiên Phú khởi kiện bổ sung yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng với Agribank. 10.3.2019, Thiên Phú nộp đơn yêu cầu TAND Q.7 áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch quyền sử dụng đất với toàn bộ dự án Hòa Lân.
Ngày 14.3.2019, TAND Q.7 ban hành Quyết định 33/2019/QĐ- BPBD để yêu cầu Thiên Phú thực hiện biện pháp bảo đảm với số tiền 1 tỉ đồng (trong khi Công ty Kim Oanh đã bỏ vào dự án này số tiền lên đến gần 1.500 tỉ đồng). Ngày 15.3.2019, TAND Q.7 ban hành Quyết định 01/2019/QD0-BPKCTT đúng như yêu cầu của Thiên Phú.
Ngày 28.6.2019, Công ty Kim Oanh gửi đơn đến Chánh án TAND Tối Cao khiếu nại việc TAND Q.7 áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời gây thiệt hại cho Công ty Kim Oanh và đề nghị hủy bỏ quyết định này.
Ngày 2.8.2019 Thiên Phú nộp đơn khởi kiện bổ sung. Ngày 15.10.2019 và 15.11.2019, TAND Q.7 thực hiện kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ.
Ngày 7.01.2020, TAND Q.7 ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử, theo đó, vụ án sẽ được xét xử công khai vào ngày 6.2.2020 và phiên tòa này bị hoãn (lần 1) vì đại diện Công ty cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn vắng mặt.
Ngày 5.3 và 10.3.2020, TAND Q.7 tiếp tục mở lại phiên tòa, đến ngày 11.3.2020 thì TAND hoãn phiên tòa (lần 2) vì lý do liên quan đến dịch Covid-19.
Ngày 28.3.2020, ông Bùi Thế Sơn – Giám đốc Công ty Thiên Phú bị Cơ quan CSĐT-Bộ Công An bắt tạm giam, điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc bồi thường tái định cư tại dự án Hòa Lân.
Ngày 30.3.2020, bà Phạm Thị Hường và bà Nguyễn Ngọc Kim Châu có đơn đề nghị gửi TAND Q.7 tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan do họ đã nhận chuyển nhượng phần vốn góp từ các thành viên góp vốn của Công ty Thiên Phú và được TAND Q.7 chấp thuận ngày 28.4.2020. Ngày 18.5.2020, bà Hường và bà Châu nộp các yêu cầu độc lập cho TAND Q.7.
Ngày 18.5.2020, ông Bùi Thế Sơn có đơn gửi TAND Q.7 đề nghị rút đơn khởi kiện của Công ty Thiên Phú và đơn đề nghị hủy toàn bộ ủy quyền của ông Sơn cho ông Tuấn.
26.6.2020, TAND Q.7 ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử, theo đó, vụ án sẽ được xét xử công khai vào ngày 14.7.2020. Vào ngày xét xử, người đại diện cho bà Hường, bà Châu đề nghị hoãn phiên tòa và tạm đình chỉ vụ án. TAND Q.7 hoãn phiên tòa (lần 3) và thông báo xét xử vào ngày 4.8.2020.
Trong các ngày 4,5,6, 13 và 14.8.2020, TAND Q.7 tiếp tục xét xử vụ án.
Sáng 20.8, mở lại phiên tòa, Thẩm phán Lê Thị Phơ - Chủ tọa phiên tòa tuyên bố tạm ngừng phiên tòa để thu thập thêm chứng cứ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.