Chiều 1.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương - một trong những tỉnh công nghiệp hàng đầu của cả nước và cũng là một trong 13 địa phương có điều tiết ngân sách về T.Ư.
Kết luận buổi làm việc, đánh giá tổng quan tình hình kinh tế - xã hội của Bình Dương, Thủ tướng cho rằng sau 20 năm chia tách, Bình Dương đã trở thành địa phương có vóc dáng một tỉnh công nghiệp, là tỉnh đi đầu về “trải thảm đỏ đón nhà đầu tư”. Nhờ những cách làm sáng tạo, Bình Dương đã có sự bứt phá ngoạn mục và nổi lên như một điểm sáng, một điển hình về trung tâm công nghiệp của VN.
Chỉ ra một số hạn chế của địa phương, Thủ tướng cho rằng Bình Dương chưa khai thác hết lợi thế vị trí cửa ngõ TP.HCM để phát triển những ngành nghề dịch vụ chất lượng cao, các dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp và đô thị. Năng lực cạnh tranh của tỉnh cũng còn thấp (PCI ở vị trí 25/63, đứng thứ 4 vùng Đông Nam bộ). Công tác bảo vệ môi trường còn nhiều nguy cơ, đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận công nhân còn thấp.
“Tầm nhìn của Bình Dương phải trở thành TP trực thuộc T.Ư, một trung tâm công nghiệp của cả nước, một TP thông minh, một điểm đến cho các nhà đầu tư và những ý tưởng sáng tạo”, Thủ tướng nhấn mạnh như vậy khi đề cập đến định hướng phát triển của địa phương giàu tiềm năng này. Mong muốn Bình Dương phấn đấu trở thành một trung tâm khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp thành công của vùng Đông Nam bộ và cả nước, Thủ tướng giao chỉ tiêu đạt 50.000 doanh nghiệp vào năm 2020, gấp đôi so với mức 25.000 doanh nghiệp hiện nay tại Bình Dương.
Dịp này, Thủ tướng ký quyết định công nhận TX.Tân Uyên (Bình Dương) đạt chuẩn nông thôn mới.
Bình luận (0)