Nghề...tâm sự trả phí
Ngồi trước mặt tôi là cô gái thân hình khá gầy gò, tầm khoảng 24 - 25 tuổi. Cô xưng tên là Hà Nhi nhưng thừa nhận rằng đây chỉ là tên giả. Hà Nhi lập trang Facebook rồi lên các hội giao lưu chị em bạn gái như "nữ sinh viên khó khăn", "nữ sinh cần giúp đỡ" để chào dịch vụ tâm sự... lành mạnh. "Em nhận đi xem phim giá 300.000 đồng, đi ăn uống giá 300.000 đồng, đi chơi lành mạnh giá 500.000 đồng, nhắn tin trò chuyện giá 100.000 đồng", Hà Nhi giới thiệu: "Em không phải sinh viên, dịch vụ của em là học theo một số bạn trẻ ở nước ngoài. Họ cũng có những dịch vụ trả tiền như vậy. Em post bài vào nhóm "nữ sinh khó khăn" là để thu hút các anh trai quan tâm thôi".
Cũng giống như Hà Nhi, cô gái tên Kim Lan năm nay mới ngoài 20 tuổi nhưng đã có 1 năm kinh nghiệm làm nghề... tâm sự. Lan kể, hiện nay trên các hội nhóm Facebook có rất nhiều trang lập ra để kết nối trai gái, có cung tức có cầu, chỉ cần nhắn tin qua lại thấy tin tưởng thì đi gặp mặt cà phê, ăn uống...
"Chỉ có vậy thôi sao?", tôi hỏi, "Gặp những người đàn ông lạ không sợ họ có ý đồ xấu à?". Kim Lan cho biết những người vào nhắn tin được cô tìm hiểu kỹ, phải là trang Facebook thật có thời gian hoạt động dài. Thậm chí phải chuyển khoản trước để đặt cọc và nơi hẹn là những quán cà phê đông người. Lan bộc bạch có những người khách quen cứ đến ngày cố định là hẹn đi xem phim, cà phê để tâm sự, trò chuyện. "Họ gặp stress trong cuộc sống, cảm thấy cô độc hoặc đang buồn cần người chia sẻ, những ai nghiêm túc đàng hoàng thì em mới gặp nhiều lần", Lan vừa nói vừa xin phép tôi được chạy "show" vì có khách đang đợi... xem phim.
Và biến tướng ...
Núp bóng dưới những hội nhóm có tên gọi khá nhạy cảm như "Nữ sinh viên khó khăn", "Mẹ đơn thân cần giúp đỡ"..., hàng loạt nick name chào mời dịch vụ "chu cấp" hàng tháng nhưng luôn có những cái bẫy giăng ra. Theo lời chào mời trên nhóm, PV nhắn tin riêng cho một "nữ sinh" tên M.T, sinh năm 2004, gặp khó khăn đang cần giúp đỡ. Trò chuyện vài câu, cô gái này yêu cầu chu cấp 1 tháng 12 triệu và 1 tuần sẽ "gặp nhau" 3 lần, tiếp đó đưa số tài khoản ngân hàng để đặt taxi hẹn gặp. Nhưng khi chúng tôi chuyển khoản tiền đặt xe xong thì nhân vật này cũng lặn mất.
Anh N.H.H, nạn nhân từng bị lừa gạt theo cách tương tự, kể: "Những người bị lừa vài trăm thì còn ít, trường hợp của tôi bị dẫn dụ vào một nhóm chat để chọn lựa các em sinh viên theo nhu cầu. Sau đó, họ lừa tôi đóng tiền để tham gia hội viên, sau đó tiếp tục nhiều yêu cầu khác nhằm moi tiền".
Mới đây, Công an Đà Nẵng đã bắt được C.H.K, một đối tượng chuyên giả gái để dụ dỗ những người đàn ông ham của lạ trên các nhóm chat "mẹ đơn thân". Theo đó, C.H.K làm việc cho một công ty chuyên hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. C.H.K. sử dụng tài khoản Facebook ảo để đăng nhập vào hội nhóm "Phụ nữ đơn thân", sau đó dùng Messenger hoặc Zalo liên lạc, gạ gẫm những đàn ông có nhu cầu "chia sẻ tình cảm". Tiếp đó, đối tượng lôi kéo "con mồi" tham gia đầu tư kinh doanh rồi chiếm đoạt tài sản của họ và dụ dỗ nhiều quà tặng đắt tiền như điện thoại di động, đồng hồ thông minh... Ngoài ra, K. và các đối tượng trong đường dây còn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhiều nạn nhân khác trên cả nước bằng phương pháp, thủ đoạn tương tự.
Anh Nguyễn Ngọc Thắng, chuyên gia công nghệ đang làm việc tại Mỹ chia sẻ kinh nghiệm: Lợi dụng sự phổ biến của mạng xã hội, nhiều đối tượng đã lừa gạt tài sản bằng các hình thức khác nhau, nhưng chủ yếu là giả gái để dụ chuyển tiền, xin tiền giúp đỡ để hứa hẹn "trả công". Nhiều người nhẹ dạ đã bị sụp bẫy nhẹ nhàng. Để phòng tránh, người dân tuyệt đối khôg nên tin những lời dụ dỗ trong các nhóm kín, không cung cấp thông tin cá nhân như CCCD/CMND, thông tin người thân, địa chỉ…; không cung cấp thông tin ngân hàng, thẻ hưu trí, bảo hiểm xã hội…; không chuyển tiền cọc để hẹn hò theo yêu cầu của "nữ sinh" hay "mẹ đơn thân" nào đó .
Bình luận (0)