Trong tiểu thuyết đề tài lịch sử Nguyên khí ngàn đời (NXB Hội Nhà văn, 2021), nhân vật chính là một vị tiến sĩ, có chức vị trong quan triều thời vua Mạc Hậu Hợp, đó là Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo - Lễ bộ Thượng thư Tả Thị Lang. Dùng thủ pháp huyền ảo, tác giả Lục Hường đã dựng nên chân dung một nho sĩ trong quan trường với đủ mọi cung bậc xúc cảm, đủ mọi tình huống đấu đá tranh giành ngôi vị, tranh thủ sự ưu ái của quân vương, sự kiên cường để gìn giữ phẩm giá, sự chân thành và trong sáng của mình, truyền lại thông điệp quan trọng cho thế hệ sau.
Ngôn ngữ mà tác giả sử dụng để miêu tả, hay dựng bối cảnh, tạo tình huống trong tiểu thuyết không có gì đặc biệt. Thoạt đầu có cảm giác như Lục Hường chỉ sử dụng một gói ngôn từ hạn hẹp, lặp đi lặp lại. Và cũng tuyệt nhiên không có những lập ngôn to tát, không chơi chữ cầu kỳ, không gây choáng bằng những từ ngữ độc lạ, không cố tình hút độc giả bằng những hình ảnh màu mè trong cuốn sách này. Nếu là độc giả thiếu kiên nhẫn, quen đọc thông tin mạng, hẳn sẽ nản khi giở qua cuốn sách Nguyên khí ngàn đời dày tới gần 500 trang này.
Nhưng khi vượt qua sự sốt ruột với câu chữ nhẩn nha, chậm rãi ấy, bạn đọc có thể được tưởng thưởng khi nhập được vào một vùng không gian mênh mang bảng lảng, như thực như mơ, thoát khỏi những chộn rộn ràng kéo của biết bao nhu cầu đời thường, mà cho phép mình thanh thản thưởng thức miền sống an nhiên. Khi đó, bạn đã đến được với tâm thiền, truy cập được miền tĩnh tại trong chính mình. Khi tĩnh được như vậy, bạn đọc sẽ nhận ra nghệ thuật dành cho chính mình “Ai cũng vậy, làm bất cứ việc gì với sự tập trung, dồn tình yêu vào đó thì tự nhiên mà trở thành “nghệ nhân”.
Và từng câu, từng chữ đơn giản, bình thản đã mở ra cả một hành trình dài của Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo - Lễ bộ Thượng thư Tả Thị Lang và khiến độc giả khao khát muốn có được thông điệp quý báu của ông truyền lại hậu thế. Thông điệp ấy như thế nào mà khiến những kẻ đối nghịch, đầy tham vọng trong triều phải tìm diệt bằng được ông để đoạt “cuốn sách” trên gốm? Cuộc truy tìm những mảnh ghép của cuốn sách đặc biệt viết trên gốm dẫn đến những kịch tính trong tiểu thuyết, bộ lộ âm mưu phản nghịch của vương gia, nhưng cuối cùng kẻ tham vẫn không thể nào đoạt được toàn vẹn nội dung của cuốn sách. Vậy Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo giấu cuốn sách ở đâu, và thông điệp quý giá khiến nhiều người, thậm chí chính tác giả viết ra nó cũng tử nạn, là gì vậy?
Cuốn sách ấy chỉ có thể hoàn thiện được trong tương lai, khi hậu duệ của Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo đủ tâm lực, đủ thấu suốt để có thể tiếp nối hành trình chân thành ấy của ông, khi người đọc có thể vượt qua được sự hỗn loạn của đời thường, vượt qua sức ép của bản ngã để an tĩnh mà thụ hưởng một đời sống tinh thần vốn đã đủ đầy, vốn đã trọn vẹn ngay tại đây, lúc này. Hóa ra, nghệ thuật mà tác giả Lục Hường sử dụng trong câu chữ của Nguyên khí ngàn đời tưởng như quá đơn giản, bình dị, qua những hình ảnh rất bình thường lại chính là dẫn chất như thôi miên, khiến người đọc trở về trung tâm sâu thẳm trong mình, an yên, để giữ được năng lượng, giữ nguyên khí trong sạch, chân thành cho chính mình và cho đời sau. Phải thoát khỏi cơn lốc những hoạt động sôi trào ồn ã của bên ngoài, thoát khỏi những sức ép tham lam của nhu cầu đến vắt kiệt năng lượng thường ngày, bạn đọc mới có thể nhẹ trôi trong không gian thiền của tiểu thuyết Nguyên khí ngàn đời.
Bình luận (0)