Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc của vua Đinh Tiên Hoàng

02/08/2024 16:50 GMT+7

Hội thảo khoa học 'Đinh Tiên Hoàng: Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc' góp phần làm sáng tỏ thêm về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của vua Đinh Tiên Hoàng, thời đại nhà Đinh với lịch sử dân tộc.

Ngày 2.8, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học "Đinh Tiên Hoàng: Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc". Đây là một trong những hoạt động nhân kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh vua Đinh Tiên Hoàng (924 - 2024).

Tầm vóc lịch sử và khát vọng dân tộc của vua Đinh Tiên Hoàng- Ảnh 1.

Kinh đô Hoa Lư (nay là di tích quốc gia đặc biệt cố đô Hoa Lư)

MINH HẢI

Tham dự hội thảo có PGS-TS Trần Đức Cường, Chủ tịch hội Khoa học lịch sử Việt Nam; TS Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS-TS Nguyễn Văn Kim, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam; GS-TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); và lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình.

Tại hội thảo, ông Tống Quang Thìn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, cho biết thân thế và sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng gắn liền với quá trình thống nhất giang sơn, hình thành nhà nước phong kiến T.Ư tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc, khẳng định mạnh mẽ ý chí phục hưng dân tộc dựa trên bản lĩnh độc lập tự chủ, tự lực, tự cường.

Cuộc đời, sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng và các triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê đã để lại một hệ thống di sản to lớn cho tỉnh Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang sở hữu hàng nghìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có nhiều di sản liên quan đến vua Đinh Tiên Hoàng, triều đại nhà Đinh và Nhà nước Đại Cồ Việt, như: khu di tích quốc gia đặc biệt cố đô Hoa Lư, cột kinh Phật chùa Nhất Trụ, 2 Long sàng ở đền thờ vua Đinh…

Theo ông Thìn, các di sản của vua Đinh Tiên Hoàng và Nhà nước Đại Cồ Việt được bảo tồn, lưu giữ đến ngày nay không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam, còn là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình. Do đó, thông qua hội thảo lần này, tỉnh Ninh Bình mong muốn các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các tổ chức chính trị - xã hội… làm sáng tỏ thêm thân thế và sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng để từ đó có thêm động lực cho sự phát triển quê hương, đất nước.

Trong tham luận của mình, PGS-TS Đặng Hồng Sơn, đến từ Trường đại học Khoa học Xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã đề cập đến một số nội dung, như: phát hiện, loại hình và đặc điểm của gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên; các nguồn sử tịch về quốc hiệu "Đại Cồ Việt" và "Đại Việt"; sự khởi đầu quốc hiệu "Đại Việt": đề xuất lại từ tiếp cận khảo cổ học lịch sử.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Minh Tường, đến từ Viện Sử học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), đề cập đến vai trò của vua Đinh Tiên Hoàng trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước và phục hưng dân tộc sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc nhìn từ phương diện "quản trị quốc gia" và "quốc học". Trong đó, ông nhấn mạnh đến công lao phục hưng dân tộc của vua Đinh Tiên Hoàng - người đặt nền móng vững chắc để xây dựng một nhà nước văn minh.

PGS-TS Tường cho rằng việc vua Đinh Tiên Hoàng tự xưng quốc hiệu là Đại Cồ Việt thể hiện sự tự tin ở sức mạnh dân tộc Việt, đối chọi lại tinh thần Đại Hán của các Hoàng đế Trung Hoa. Đồng thời, với 5 chức năng của Nhà nước Đại Cồ Việt dưới 2 triều đại Đinh và Tiền Lê cho thấy việc quản trị quốc gia đã từng bước đi vào ổn định và có nền nếp hơn trước.

PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, lại tiếp cận chủ đề "Kinh thành Hoa Lư - Một di sản mang giá trị xuyên thế kỷ", đã nêu 6 giá trị nổi bật của kinh đô Hoa Lư trong 42 năm triều Đinh và Tiền Lê, đem lại nhiều tư liệu mới, cho phép nhìn nhận một cách cụ thể hơn giá trị lịch sử văn hóa của đất nước thời nhà Đinh, nhà Tiền Lê.

PGS-TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức hội thảo, cho biết thông qua hội thảo nhằm làm sáng tỏ hơn thân thế, sự nghiệp và di sản của vua Đinh Tiên Hoàng và vai trò của nhà Đinh trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đó đưa ra các đề xuất, giải pháp để bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản theo chiều hướng thúc đẩy khát vọng dân tộc, khơi dậy hào khí Hoa Lư nhằm phục vụ xây dựng tại tỉnh Ninh Bình một thành phố di sản, lấy các di sản của vua Đinh Tiên Hoàng cùng triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê làm trung tâm.

Vua Đinh Tiên Hoàng - Đinh Bộ Lĩnh sinh ngày 15.2 năm Giáp Thân (năm 924), tại làng Đại Hoàng, nay là thôn Văn Hà (xã Gia Phương, H.Gia Viễn, Ninh Bình).

Sử cũ chép, sau khi Ngô Vương Quyền mất, nước ta rơi vào cảnh chia rẽ. Một số quan, tướng nổi dậy cát cứ (sử cũ gọi là loạn 12 sứ quân). Lúc đó, Đinh Bộ Lĩnh đã nuôi ý chí dẹp loạn, thu giang sơn về một mối, thiết lập triều đình. Biết lực lượng của mình còn nhỏ, Đinh Bộ Lĩnh liên kết với sứ quân Trần Lãm (còn gọi là Trần Minh Công ở Bố Hải Khẩu - Thái Bình ngày nay).

Khi tuổi cao sức yếu, Trần Lãm trao toàn bộ binh quyền cho Đinh Bộ Lĩnh. Thấy Bố Hải Khẩu không thuận lợi làm cơ sở dựng binh mở nghiệp lớn, Đinh Bộ Lĩnh đưa toàn bộ tướng sĩ về xây dựng căn cứ ở động Hoa Lư (H.Hoa Lư, Ninh Bình ngày nay).

Tại đây, dựa vào hình sông, thế núi hiểm trở, Đinh Bộ Lĩnh tăng cường xây thành đắp lũy, chiêu mộ hào kiệt, quân sĩ, xây dựng lực lượng hùng cứ một phương.

Thấy lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh ngày càng lớn mạnh, Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập đem quân đến Hoa Lư (động Thung Lau thuộc xã Gia Hưng ngày nay) định tiêu diệt nhưng đại bại, phải rút quân về.

Sau đó, Đinh Bộ Lĩnh khi thì chiêu hàng, khi tấn công bình định các sứ quân khác, chỉ trong 1 năm đã dẹp yên các sứ quân, được xưng tụng là Vạn Thắng Vương.

Năm Mậu Thìn 968, Vạn Thắng Vương lên ngôi hoàng đế, hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, đồng thời cho xây cung điện, đặt triều nghi. Năm 970, đặt niên hiệu là Thái Bình, cho đúc đồng tiền Thái Bình.

Đinh Tiên Hoàng là vị anh hùng dân tộc mở đầu và đặt nền móng thống nhất quốc gia, bước đầu xây dựng nhà nước phong kiến T.Ư tập quyền. Vua Đinh ở ngôi 12 năm (968 - 979), thọ 56 tuổi. Đền thờ ông được dựng ở chân núi Mã Yên ngay trên nền cung điện cũ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.