Tri ân công lao to lớn của vua Đinh Tiên Hoàng

17/04/2024 23:12 GMT+7

Lễ kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh vua Đinh Tiên Hoàng và khai mạc lễ hội Hoa Lư năm 2024 là dịp để người dân tưởng nhớ công lao to lớn của các vị tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.

Tối 17.4, tại Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư (H.Hoa Lư, Ninh Bình), tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh vua Đinh Tiên Hoàng và khai mạc lễ hội Hoa Lư năm 2024.

Tri ân công lao to lớn của vua Đinh Tiên Hoàng- Ảnh 1.

Chương trình nghệ thuật tại buổi lễ

MINH HẢI

Nhiều lãnh đạo các cơ quan T.Ư, tỉnh Ninh Bình, các tỉnh, thành phố và đông đảo người dân, du khách tham dự buổi lễ.

Trong chương trình nghệ thuật tại buổi lễ, các nghệ sĩ thể hiện màn sử thi về người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh từ 1.100 năm trước, kể từ khi chào đời, thiếu thời, cho đến những năm tháng dấy cờ khởi nghĩa, dẹp loạn 12 sứ quân, thu giang sơn về một mối, lập nên nhà nước Đại Cồ Việt.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, cho biết Lễ kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh vua Đinh Tiên Hoàng và khai mạc lễ hội Hoa Lư năm 2024 là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, các giá trị văn hóa tốt đẹp, ý chí độc lập, tự chủ, thống nhất và khát vọng hòa bình của dân tộc; thể hiện lòng thành kính, sự tri ân sâu sắc công lao, những đóng góp to lớn của vua Đinh Tiên Hoàng và các bậc tiền nhân.

Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đọc diễn văn tại buổi lễ

Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, đọc diễn văn tại buổi lễ

MINH HẢI

Đồng thời, làm sâu sắc hơn về tầm vóc lịch sử, giá trị đặc biệt, vai trò to lớn của triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê, của nhà nước Đại Cồ Việt và của vùng đất Cố đô Hoa Lư trong tiến trình lịch sử dân tộc; đồng thời tôn vinh các giá trị vững bền của di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Hoa Lư.

"Thân thế và sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng gắn liền với quá trình thống nhất giang sơn, hình thành nhà nước phong kiến T.Ư tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc, khẳng định mạnh mẽ ý chí phục hưng dân tộc, dựa trên bản lĩnh độc lập, tự chủ, tự lực, và tự cường.

Tri ân công lao to lớn của vua Đinh Tiên Hoàng- Ảnh 3.

Ông Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, đánh trống khai hội

PHÚC NGƯ

Để tri ân công đức của nhà vua, nhân dân và thể chế nhà nước các thời kỳ đã cho lập đền thờ tại khu vực cung điện xưa, hằng năm tổ chức lễ hội Hoa Lư và cho đến ngày nay vẫn là hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần độc đáo, đặc sắc riêng có của người dân cố đô", ông Ngọc cho hay.

Ông Ngọc cũng khẳng định, đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình luôn coi trọng, gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp của lễ hội Hoa Lư như gìn giữ hồn cốt linh thiêng của cố đô.

Vua Đinh Tiên Hoàng - Đinh Bộ Lĩnh sinh ngày 15.2 năm Giáp Thân (năm 924), tại làng Đại Hoàng, nay là thôn Văn Hà (xã Gia Phương, H.Gia Viễn, Ninh Bình). 

Sử cũ chép, sau khi Ngô Vương Quyền mất, nước ta rơi vào cảnh chia rẽ. Một số quan, tướng nổi dậy cát cứ (sử cũ gọi là loạn 12 sứ quân). Lúc đó, Đinh Bộ Lĩnh đã nuôi ý chí dẹp loạn, thu giang sơn về một mối, thiết lập triều đình. Biết lực lượng của mình còn nhỏ, Đinh Bộ Lĩnh liên kết với sứ quân Trần Lãm (còn gọi là Trần Minh Công ở Bố Hải Khẩu - Thái Bình ngày nay).

Khi tuổi cao sức yếu, Trần Lãm trao toàn bộ binh quyền cho Đinh Bộ Lĩnh. Thấy Bố Hải Khẩu không thuận lợi làm cơ sở dựng binh mở nghiệp lớn, Đinh Bộ Lĩnh đưa toàn bộ tướng sĩ về xây dựng căn cứ ở động Hoa Lư (H.Hoa Lư, Ninh Bình ngày nay). 

Tại đây, dựa vào hình sông, thế núi hiểm trở, Đinh Bộ Lĩnh tăng cường xây thành đắp lũy, chiêu mộ hào kiệt, quân sĩ, xây dựng lực lượng hùng cứ một phương.

Thấy lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh ngày càng lớn mạnh, Ngô Xương Văn và Ngô Xương Ngập đem quân đến Hoa Lư (động Thung Lau thuộc xã Gia Hưng ngày nay) định tiêu diệt nhưng đại bại, phải rút quân về. 

Sau đó, Đinh Bộ Lĩnh khi thì chiêu hàng, khi tấn công bình định các sứ quân khác, chỉ trong 1 năm đã dẹp yên các sứ quân, được xưng tụng là Vạn Thắng Vương.

Năm Mậu Thìn 968, Vạn Thắng Vương lên ngôi hoàng đế, hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, đồng thời cho xây cung điện, đặt triều nghi. Năm 970, đặt niên hiệu là Thái Bình, cho đúc đồng tiền Thái Bình.

Đinh Tiên Hoàng là vị anh hùng dân tộc mở đầu và đặt nền móng thống nhất quốc gia, bước đầu xây dựng nhà nước phong kiến T.Ư tập quyền. Vua Đinh ở ngôi 12 năm (968 - 979), thọ 56 tuổi. Đền thờ ông được dựng ở chân núi Mã Yên ngay trên nền cung điện cũ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.