Theo lãnh đạo Vietravel Airlines, ngày 15.3, Việt Nam chính thức mở cửa lại các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới với các chính sách, quy định thuận lợi dành cho du khách, tạo điều kiện tốt nhất để các địa phương và các doanh nghiệp đón khách quốc tế, phục hồi du lịch.
Chi phí nhiên liệu bay đối với hãng hàng không chiếm tỷ trọng lớn, hơn 30% trên tổng chi phí hoạt động khai thác |
Vietravel Airlines |
Tuy nhiên, những khó khăn đối với ngành hàng không vẫn chưa sớm kết thúc. Ngành hàng không sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn khác như chi phí nhiên liệu tăng, lạm phát; Kinh tế có khả năng phục hồi chậm khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn.
Chính vì thế, bên cạnh những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời và nhanh chóng do Chính phủ đưa ra trước đó, Vietravel Airlines kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan ban ngành liên quan một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hàng không.
Cụ thể, đề xuất đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp hàng không (không kể hãng hàng không nhà nước hay tư nhân). "Cho đến thời điểm hiện tại, dòng tiền của ngành hàng không đang bị cạn kiệt sau thời gian dài “ngủ đông”. Nếu không có sự hỗ trợ, giải cứu của nhà nước, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ gặp rủi ro thanh khoản như nợ ngắn hạn, nợ nhà cung cấp, trả lương cho người lao động..." - lãnh đạo Vietravel Airlines nêu và kiến nghị Chính phủ tung gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp hàng không vay với mức lãi suất 0% hoặc lãi suất ưu đãi với thời gian trả nợ dài hạn 3 - 5 năm.
Song song, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2022, giảm thuế VAT xuống mức 5% để kích thích thị trường.
Bên cạnh đó, chi phí nhiên liệu bay đối với hãng hàng không chiếm tỷ trọng lớn, hơn 30% trên tổng chi phí hoạt động khai thác. Hiện tại, giá nhiên liệu bay Jet-A1 có xu hướng tăng cao (hiện ở mức 94,5 USD/thùng). Vì vậy, để hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua tình hình khó khăn do dịch bệnh, doanh nghiệp này đề nghị Bộ Tài chính, Bộ GTVT và các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không xuống 0% (so với mức 7% hiện nay). Đồng thời cũng điều chỉnh giảm thuế môi trường về 1.000 đồng/lít; Thời gian áp dụng kiến nghị từ nay cho đến hết năm 2022.
Ngoài ra, hãng cũng mong muốn được hỗ trợ giảm 50% giá dịch vụ ngành hàng không; Bổ sung điều khoản cho phép hãng hàng không được chủ động áp dụng phụ thu nhiên liệu đối với các đường bay nội địa nếu giá Jet-A1 tăng cao từ 100 USD/thùng trở lên.
Trước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam cũng đề nghị Bộ GTVT có văn bản kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cho các hãng hàng không vay gói tái cấp vốn 4.000 - 6.000 tỉ đồng, lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines.
Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế, hàng không tăng trưởng 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng 1% GDP. Hàng không phát triển sẽ duy trì sức lan tỏa kinh tế tới các ngành khác; kết nối các chuỗi cung cấp, chuỗi hàng hóa, chuỗi giá trị; và góp phần tích cực trong việc phục hồi, phát triển kinh tế nước ta sau dịch…
Bình luận (0)