Báo cáo tại cuộc họp, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ TN-MT), cho biết luật Đất đai 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng, trong đó có các quy định để tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai.
Luật đã bổ sung nhiều quy định yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện để quản lý, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả; một số hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt đã không còn phù hợp, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm tính khả thi.
Theo bà Mỹ, thời gian qua, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn tồn tại một số bất cập như mức xử phạt còn nhẹ, chưa bảo đảm tính răn đe; do lịch sử quá trình quản lý, sử dụng đất đai phức tạp, nhiều hành vi vi phạm đã xảy ra trong quá khứ chưa được phát hiện, xử lý… Đặc biệt là các hành vi vi phạm đã xảy ra trước ngày 15.10.1993 (cách đây hơn 30 năm) rất khó xác định, thời hiệu xử phạt đã hết; một số biện pháp khắc phục hậu quả chưa phù hợp với thực tế…
Ngoài ra, hành vi sử dụng đất không đúng mục đích không còn là hành vi bị nghiêm cấm mà còn cho phép được sử dụng đa mục đích đối với một số trường hợp (điều 218 luật Đất đai 2024); điều kiện để nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp cũng được mở rộng đối tượng, hạn mức...
Vì vậy, dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai gồm có 4 chương, 36 điều. Trong đó giữ nguyên 4 chương và giảm 8 điều so với Nghị định số 91/2019/NĐ-CP. Việc ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị cơ quan soạn thảo cần bám sát quy định, chi tiết đầy đủ các hành vi vi phạm, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả bảo đảm phù hợp với luật Đất đai 2024, luật Xử lý vi phạm hành chính, luật Thanh tra. Đảm bảo sự đồng bộ giữa pháp luật về đất đai và các quy định của pháp luật khác có liên quan; bảo đảm kế thừa, ổn định của hệ thống pháp luật đất đai; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn.
Ông Duy đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, kiến nghị các nội dung về mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt trên quan điểm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn việc vi phạm về pháp luật đất đai, xử lý nhanh nội dung vi phạm, tránh kéo dài thời gian để hợp thức hóa sai phạm về đất đai; phân cấp, phân quyền đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai.
Bình luận (0)