Tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền xu hướng tăng cao tại Việt Nam

Thu Hằng
Thu Hằng
31/03/2024 09:22 GMT+7

Qua theo dõi, giám sát không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) đã phát hiện xu hướng tấn công mạng, đặc biệt là tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền (ransomware) tăng cao.

Trước nguy cơ tấn công mạng tăng cao, tối 30.3, Cục An toàn thông tin đã phát đi cảnh báo tới các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin (CNTT), an toàn thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các sở TT-TT; tổ chức tài chính, ngân hàng; tập đoàn, doanh nghiệp về việc tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng đối với hệ thống thông tin.

Tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền xu hướng tăng cao tại Việt Nam- Ảnh 1.

Cục An toàn thông tin đã phát hiện xu hướng tấn công mạng, đặc biệt là tấn công ransomware tăng cao trong thời gian gần đây

AFP

Theo Cục An toàn thông tin, trong 3 tháng đầu, số sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam là 2.323 cuộc. Qua theo dõi, giám sát không gian mạng Việt Nam, cơ quan này đã phát hiện xu hướng tấn công mạng, đặc biệt là tấn công ransomware tăng cao.

Đáng chú ý, thời gian gần đây, đã có một số hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam bị sự cố tấn công ransomware, gây gián đoạn hoạt động và thiệt hại về vật chất, hình ảnh của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cũng như hoạt động bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng, Cục An toàn thông tin đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức rà soát, tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin. Trong đó, ưu tiên các giải pháp giám sát, cảnh báo sớm.

Trước ngày 15.4, các cơ quan, đơn đơn vị, doanh nghiệp cần kiểm tra, đánh giá việc đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý, nhất là các hệ thống thông tin lưu trữ, xử lý thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân. Trong trường hợp phát hiện hệ thống tồn tại các nguy cơ, lỗ hổng và điểm yếu, đơn vị cần lập tức triển khai các biện pháp khắc phục.

Cơ quan này cũng đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thời gian tới tập trung triển khai một số nhiệm vụ khác như: rà soát, tổ chức triển khai bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ; tổ chức thực thi hiệu quả, thực chất, thường xuyên và liên tục công tác bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp; xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố đối với hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý; triển khai phương án sao lưu định kỳ hệ thống và dữ liệu quan trọng để kịp thời khôi phục khi bị tấn công mã hóa dữ liệu….

Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần định kỳ săn lùng mối nguy hại trong hệ thống nhằm kịp thời phát hiện các dấu hiệu bị xâm nhập. Với hệ thống đã phát hiện lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, sau khi khắc phục lỗ hổng, đơn vị cần thực hiện ngay việc săn lùng mối nguy hại để xác định khả năng bị xâm nhập trước đó.

Kiểm tra, cập nhật các bản vá an toàn thông tin cho các hệ thống quan trọng theo cảnh báo của Cục An toàn thông tin và các cơ quan, tổ chức liên quan; định kỳ kiểm tra, đánh giá, rà soát để phát hiện kịp thời các lỗ hổng an toàn thông tin, các điểm yếu đang tồn tại trên hệ thống. Sử dụng thường xuyên, liên tục các nền tảng số do Bộ TT-TT phát triển, cung cấp để hỗ trợ công tác quản lý, thực thi đảm bảo an toàn thông tin.

Trước đó, nửa đầu năm 2023, hệ thống giám sát virus của Bkav cũng ghi nhận hơn 77.000 máy tính tại Việt Nam bị mã hóa dữ liệu.

Trong đó, một doanh nghiệp lớn, có đội ngũ quản trị viên dày dạn kinh nghiệm, nắm rõ hệ thống của mình bị ransomware tấn công, toàn bộ hơn 10 TB dữ liệu bị mã hóa. Hacker yêu cầu hơn 4 tỉ đồng đổi lấy key giải mã.

Một doanh nghiệp khác bị hacker tấn công và mã hóa dữ liệu hàng loạt máy chủ, máy cá nhân lúc nửa đêm. Hacker đòi 9.000 USD tiền chuộc dữ liệu cho mỗi máy bị mã hóa.

Theo các chuyên gia của Bkav, có những đơn vị có rất nhiều dữ liệu quan trọng nhưng lại tiết kiệm, sử dụng những phần mềm diệt virus miễn phí. Phần mềm này chỉ phù hợp bảo vệ những dữ liệu không quá quan trọng do không có khả năng tự động phát hiện và diệt triệt để các dòng virus mã hóa dữ liệu.

Hậu quả của những vụ việc bị mã hóa dữ liệu thường rất tàn khốc bởi lẽ việc khôi phục lại dữ liệu gần như là không thể. Ngay cả khi nạn nhân chấp nhận trả tiền thì cũng không đảm bảo họ sẽ lấy lại được dữ liệu từ hacker.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.