Tận dụng kỹ năng, tay nghề của người xuất khẩu lao động

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
13/10/2023 08:16 GMT+7

Mỗi năm, có hàng trăm ngàn bạn trẻ xuất khẩu lao động sang các nước theo chương trình hợp tác giữa Cục Quản lý lao động ngoài nước với các hiệp hội nước ngoài hoặc thông qua doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Sau 3 - 5 năm trở về, lực lượng lao động này sẽ ra sao?

NHỮNG NƯỚC NÀO TIẾP NHẬN NHIỀU LAO ĐỘNG vn ?

Theo số liệu của Sở LĐ-TB-XH Nghệ An - tỉnh có số lượng người xuất khẩu lao động lớn nhất cả nước trong nhiều năm qua, năm 2022 toàn tỉnh có hơn 24.000 bạn trẻ ra nước ngoài làm việc. Từ ngày 1.1 - 11.9.2023, toàn tỉnh có 17.096 bạn trẻ xuất cảnh tới 32 quốc gia và vùng lãnh thổ để lao động. Trong đó, Đài Loan tiếp nhận nhiều nhất với 7.391 người, kế đến là Nhật Bản 6.386 người, Hàn Quốc 1.401 người, Hungary 573 người...

Tận dụng kỹ năng, tay nghề của người xuất khẩu lao động - Ảnh 1.

Người lao động làm việc ở nước ngoài khi trở về nước sẽ có rất nhiều lợi thế như kỹ năng, tay nghề, ngoại ngữ tốt

V.HÀ

Bà Đặng Thị Phương Thủy, Phó trưởng phòng Lao động việc làm - an toàn lao động, Sở LĐ-TB-XH Nghệ An, cho hay: "Trong số hàng chục ngàn bạn trẻ đi xuất khẩu lao động thì có khoảng 6% đã tốt nghiệp CĐ và ĐH, 60% lao động có tay nghề chủ yếu ở các nghề cơ khí, hàn, điều dưỡng, hộ lý...; còn lại là chưa qua đào tạo".

Ở phạm vi toàn quốc, thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động VN đi làm việc ở nước ngoài là 72.294 người, đạt hơn 60% kế hoạch so với chỉ tiêu 110.000 lao động đề ra cho cả năm. Trong đó, số lượng lao động VN sang Nhật Bản nhiều nhất với 34.508 người, tiếp đến là Đài Loan 31.538 người, Hàn Quốc 1.608 người, Trung Quốc 902 người...

CÓ KINH NGHIỆM, KỸ NĂNG VÀ TÁC PHONG CÔNG NGHIỆP

Ông Nguyễn Gia Liêm, Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước, nhận định các bạn trẻ đi làm việc ở nước ngoài sẽ có rất nhiều lợi thế khi trở về, đó là có ngoại ngữ, trình độ chuyên môn kỹ thuật, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp và rất nhiều kỹ năng khác, do môi trường làm việc hầu hết ở các nước phát triển.

"Việc phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về rất được chú trọng nhằm góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Vì thế các em sẽ được tư vấn và hỗ trợ tạo việc làm, khởi nghiệp. Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm lao động ngoài nước là nơi kết nối cơ sở dữ liệu người lao động và cơ sở dữ liệu thị trường lao động, tổ chức các sàn giao dịch việc làm... để tạo cơ hội cho bạn trẻ tìm việc khi về nước, đồng thời đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản... tại VN rất thích tuyển dụng những lao động trở về từ nước họ", ông Liêm cho hay.

Theo đó, người lao động tại các chương trình do cục và trung tâm tuyển chọn khi về nước, ngoài việc được hỗ trợ việc làm, còn có thể được tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ miễn phí để đảm bảo đủ điều kiện vào làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản hay các doanh nghiệp nước ngoài khác tại VN.

"Dù chưa có bằng cấp nhưng kết thúc 3 - 5 năm, người lao động được cấp chứng chỉ của nước bạn nên trong một số ngành nghề, công việc cụ thể, các em có trình độ chuyên môn kỹ thuật rất cao. Nếu ở địa phương mà không tìm được công việc đúng với nghề mà các em đã đi lao động, thì một số em chuyển đổi nghề nghiệp bằng cách đi học nghề tại các trường CĐ, trung cấp", ông Liêm thông tin thêm.

Tận dụng kỹ năng, tay nghề của người xuất khẩu lao động - Ảnh 2.

Một hội nghị triển khai về công tác việc làm và xuất khẩu lao động của Sở LĐ-TB-XH Nghệ An

V.HÀ

CẦN ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP BỀN VỮNG

Để người lao động tái hòa nhập với thị trường lao động trong nước, ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH), cho rằng trước khi đi xuất khẩu lao động, bạn trẻ phải được tư vấn, định hướng nghề nghiệp kỹ càng. Theo đó, bạn trẻ đi không phải chỉ để kiếm tiền mà còn học tập để phát triển nghề nghiệp lâu dài khi về nước. Hiện chỉ có một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động lớn thực hiện tốt việc tư vấn định hướng này.

Ông Lê Long Sơn, Tổng giám đốc Công ty Esuhai, cũng cho rằng cần phải định hướng cho người lao động, giúp họ thay đổi tư duy: phải có kiến thức và ngoại ngữ thì sau này kết thúc xuất khẩu lao động mới có thể tìm được việc làm tốt ở trong nước.

Nhận định về việc đáp ứng nhu cầu học tập của người lao động về nước, ông Độ cho hay hiện nay hệ thống giáo dục nghề nghiệp chưa để ý đến việc mở rộng các hình thức đào tạo. Chẳng hạn như tổ chức cho học viên học từ xa, học trực tuyến, vừa học vừa làm, linh hoạt địa điểm và thời gian vì người lao động tại các địa phương khó có thể về trường để học tập trung theo hình thức chính quy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.