Vừa qua, Công ty Netflix (Mỹ), chuyên cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến, chính thức công bố mở rộng dịch vụ tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có VN.
Netflix cung cấp hàng loạt bộ phim truyền hình lẫn điện ảnh của Mỹ được không ít người Việt ưa thích nên thông tin trên tạo sức hút khá lớn trên cộng đồng mạng VN, nhất là giới mê phim. Bên cạnh sự hào hứng của không ít người thì cũng có cả ý kiến bàn về tính hợp pháp khi Netflix cung cấp dịch vụ mà chưa xin phép chính quyền sở tại có thể bị xem như vi phạm pháp luật VN.
Đây chỉ là một ví dụ cho thực tế là xu hướng toàn cầu hóa trên thế giới ảo đang xóa bỏ mọi đường biên giới trong thế giới thực. Ngày nay, người Việt vẫn có thể phát hành và mua sách trực tuyến trên Amazon; người ta cũng không cần phải có kênh truyền hình riêng nhưng vẫn có thể thu lợi từ việc tổ chức các chương trình truyền hình rồi đăng tải trên YouTube; du khách nước ngoài có thể thuê nhà kiểu “sharing economy” (kinh tế chia sẻ) tại VN thông qua dịch vụ trực tuyến Airbnb… Điều đó chứng minh các mô hình kinh doanh toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ và được dự báo mở ra một kỷ nguyên mới.
Trong một xu hướng toàn cầu như thế, VN khó lòng ngăn cản bằng các biện pháp kỹ thuật “cứng”. Mà dẫu cho đủ sức ngăn cản bằng các biện pháp kỹ thuật thì chúng ta cũng khó thực hiện, bởi nếu ngăn cản mọi thứ sẽ đồng nghĩa với việc tự tạo ra một bức màn sắt ngăn cách với thế giới. Điều đó là bất khả thi, nhất là khi VN nhiều lần cam kết tăng cường hội nhập.
Nếu không thể đi ngược xu thế thì chúng ta nên tìm cách tận dụng thu nguồn lợi từ đó. Cụ thể, nguồn lợi ở đây chính là đánh thuế theo luật định đối với những giao dịch giữa những dịch vụ trên với người VN. Việc đánh thuế là khả thi bởi hầu hết các giao dịch của những dịch vụ trên đều thanh toán thông qua hệ thống ngân hàng. Dựa vào các khoản thanh toán thông qua ngân hàng, chính quyền có thể dễ dàng phân định rõ các loại thuế phải thu.
Và đây cũng chính là cơ hội để giảm dần thói quen sử dụng tiền mặt trong dân chúng, nhằm đẩy mạnh hình thức thanh toán điện tử. Mới đây, tại “Diễn đàn thanh toán VN 2015” diễn ra hồi giữa tháng 12.2015, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định cần tăng cường thanh toán điện tử, vốn chiếm đến 90% trong tổng thanh toán ở các nước phát triển để tiết kiệm chi phí và tạo ra minh bạch để chống tham nhũng.
Chính vì thế, trước sự mở rộng của các nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu, chúng ta hãy sớm tìm cách tận dụng thu lợi, chứ đừng cố tránh né bằng cách tạo ra những khó khăn.
Bình luận (0)