Tận mắt quan sát khả năng giảm lây nhiễm virus bệnh Covid-19 của khẩu trang vải

08/08/2020 19:33 GMT+7

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Thorax, khẩu trang vải tự làm cần tối thiểu 2 lớp và tốt nhất là 3 lớp, để ngăn chặn các giọt bắn từ mũi và miệng mang nguy cơ lây truyền virus corona chủng mới gây bệnh Covid-19 phát tán.

Các giọt bắn được tạo ra khi con người ho, hắt hơi, hoặc trò chuyện. Khẩu trang được cho là có thể chặn giọt bắn để bảo vệ người khỏe mạnh, cũng như giảm thiểu lây lan từ những người đã nhiễm bệnh.
Khi trang thiết bị bảo hộ cá nhân toàn cầu thiếu hụt trong đại dịch Covid-19, nhiều cơ quan y tế khuyến khích người dân sử dụng khẩu trang vải thay cho khẩu trang y tế.
Một nhóm nhà nghiên cứu Úc so sánh hiệu quả ngăn giọt bắn của khẩu trang vải 1 lớp và 2 lớp với khẩu trang y tế 3 lớp. Vải được sử dụng là loại cotton 175 g/m2..
Khẩu trang 1 lớp được làm từ 1 mảnh gấp áo thun cotton và dây buộc tóc; khẩu trang 2 lớp được may theo quy trình của CDC.
Các nhà nghiên cứu quay phim lại sự phân tán của các giọt bắn trong không khí trong lúc nói, ho, và hắt hơi khi mang từng loại khẩu trang.

Một nhân viên xã hội ở Amsterdam đeo khẩu trang vải để phòng chống nguy cơ nhiễm bệnh Covid-19.

Reuters

Theo đó, khẩu trang y tế 3 lớp là hiệu quả nhất trong việc giảm thiểu phân tán giọt bắn. Dù vậy, khẩu trang vải 1 lớp cũng có thể ngăn chặn phần nào lượng giọt bắn. Khẩu trang 2 lớp thì có khả năng giảm giọt bắn tốt hơn khẩu trang 1 lớp khi một người ho hoặc hắt hơi, theo đoạn phim.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý còn nhiều yếu tố khác góp phần vào hiệu quả của khẩu trang vải, gồm loại vải được sử dụng, thiết kế, độ vừa vặn và mức độ giặt giũ.
Các nhà nghiên cứu kết luận khẩu trang vải có ít nhất 2 lớp sẽ tốt hơn so với khẩu trang vải 1 lớp. “Cần thêm nhiều bằng chứng để công bố mẫu khẩu trang vải an toàn hơn, và các quốc gia cần đảm bảo sản xuất hoặc trang bị đầy đủ khẩu trang y tế”, theo các nhà nghiên cứu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.