Những chia sẻ từ kinh nghiệm của sinh viên các năm trên nhằm giúp tân sinh viên có cái nhìn đa chiều về đi làm thêm và các hoạt động ngoài lớp học.
Bí quyết vừa tham gia hội nhóm vừa hài hòa việc học
Từng tham gia câu lạc bộ (CLB) từ năm nhất, Trần Ngọc Minh Khoa, sinh viên năm 3 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng đó là một trải nghiệm thú vị trong đời của mỗi sinh viên. Đến tận bây giờ Khoa đã tham gia tổ chức gần 10 chương trình lớn nhỏ trong và ngoài trường. Phần lớn các chương trình Khoa đều tham gia bằng việc ứng tuyển qua các vòng viết đơn và phỏng vấn.
Sinh viên tham gia hội nhóm hỗ trợ sinh viên ở làng ĐH Thủ Đức |
Dạ Thảo |
Khoa đã tham gia nhóm Sinh viên nghiên cứu tài chính - SFR, khoa Tài chính của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong thời gian dài. Từ đó Khoa học hỏi từ các anh chị đi trước những kiến thức chuyên sâu, kinh nghiệm học tập và làm việc. Không những vậy, qua quá trình tổ chức các sự kiện, chương trình trong nhóm, Khoa đã trau dồi và phát triển được khá nhiều các kỹ năng mềm như: lãnh đạo, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, giải quyết mâu thuẫn, thảo luận và xây dựng thông tin đa phòng ban...
“Các bạn sẽ gặp được nhiều bạn bè cùng lứa tuổi, dễ dàng trò chuyện, tạo các mối quan hệ, làm việc và hoạt động dễ dàng hơn. CLB là bước đệm để các bạn có thể rèn luyện kỹ năng mềm nhiều hơn, được tự do trải nghiệm, được phép thử và sai. Từ đó sẽ khiến bản thân trở nên dạn dĩ hơn, tư duy có hệ thống và biết cách học hỏi từ những khiếm khuyết lẫn nhau”, Khoa nói.
Còn Võ Đào Xuân Hương, sinh viên năm 4 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết đã tham gia CLB được 2 năm và nhận được nhiều trải nghiệm quý giá.
Theo Hương, mỗi CLB có cách tuyển người khác nhau tuy nhiên, điểm chung là chọn ra những bạn phù hợp với CLB đội nhóm đó. “Thường thì sẽ trải qua các vòng tuyển chọn như viết CV đăng ký (đơn ứng tuyển), cách làm việc nhóm, cuối cùng là phỏng vấn. Trong các đơn ứng tuyển, Hương sẽ cố gắng viết thật sát nhất với khả năng của bản thân và những gì có thể làm được. Đến với vòng phỏng vấn, cô nói phải giữ bình tĩnh trả lời các câu hỏi của ban tổ chức.
Hương nói thêm: “Tôi hài hoà giữa việc học và tham gia CLB. Tôi chia thời gian mỗi ngày ra. Ngoại trừ thời gian học trên lớp còn lại sẽ phân chia vài tiếng để giải quyết việc của CLB”.
Còn Khoa thì tận dụng quy tắc 7-3, tức 70% thời gian sẽ dùng trong việc học, 30% còn lại sẽ tham gia xây dựng và phát triển nhóm/chương trình tham gia. Nhờ quy tắc này, nam sinh viên đã giữ vững phong độ học tập tại trường.
Cân đối giữa làm thêm kiếm tiền và cân bằng việc học
Cũng từng đi làm thêm vào năm nhất, Nguyễn Trần Ngọc Mai, sinh viên năm 4 Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, kể lại: “Lúc đó tôi muốn kiếm thêm tiền để chi trả những khoản chi tiêu cá nhân, cũng như giúp đỡ ba mẹ một phần nào đó vì tiền ba mẹ cho chỉ đủ ăn, thuê trọ và đi lại”.
Ngoài ra, Mai nghĩ đi làm thêm sẽ giúp bản thân sớm hòa nhập với cuộc sống ở thành phố, không bị bỡ ngỡ trong bất cứ môi trường nào. Mai chọn làm phục vụ ở nhà hàng vì công việc đó dễ làm, không yêu cầu trình độ, nhanh có tiền.
Sinh viên làm thêm thời vụ bằng việc lặt lá mai ngày cận tết |
dạ thảo |
Sau thời gian làm thêm, Mai đã không còn rụt rè nữa. Nữ sinh này đã học thêm được những kỹ năng mềm khác như: tính kiên nhẫn, cách giao tiếp với nhiều người, ứng xử khi xảy ra nhiều tình huống bất ngờ. Ngoài ra, Mai còn quen được nhiều bạn mới, tự tin, mạnh mẽ, năng động hơn, biết thêm được tính cách nhiều người để sau này dễ dàng hơn trong cách ứng xử, giao tiếp với từng đối tượng.
“Thông thường, việc làm thêm được đăng tải lên các hội nhóm mạng xã hội, các kênh, trung tâm giới thiệu việc làm cho sinh viên với nhiều công việc khác nhau như: làm gia sư, phục vụ nhà hàng, quán cà phê, nhà hàng tiệc cưới, cửa hàng thức ăn nhanh, nhân viên, thu ngân, nhân viên bán hàng, làm ở các rạp chiếu phim,…”, Mai thông tin.
Nguyễn Hoàng Thanh, sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết, khó nhất với sinh viên hiện nay là cân đối thời gian. Sinh viên thường bị lấn cấn giữa việc đi làm thêm và học. Do vậy, từ kinh nghiệm bản thân, Thanh khuyên tân sinh viên nên tìm việc làm thời vụ, không cố định về giờ giấc, làm ngày cuối tuần.
“Khi không có lịch học thì tôi đăng ký đi làm. Đi làm về rồi học bài, thời gian tôi không đi làm thì sẽ ở nhà học bài. Đương nhiên tôi vẫn sẽ ưu tiên việc đi học hơn cố gắng cân bằng hai việc đó một cách ổn định”, Thanh chia sẻ.
Theo Thanh, lợi ích của tân sinh viên khi đi làm thêm sẽ biết học hỏi được những điều mà ở trường không dạy. Với những sinh viên học các ngành xã hội thì việc làm thêm cũng là một "môn học" để phụ trợ cho các môn học chính ở trường.
“Cuối cùng đi làm thêm là tiền đề để giúp sinh viên mau chóng bước vào môi trường xã hội mà không cần thực tập ngay khi mới tốt nghiệp”, Thanh nói.
Bình luận (0)