Khi đã trưởng thành, nên ra riêng hay ở chung với gia đình?

17/07/2022 14:51 GMT+7

Chọn cuộc sống tự lập một mình hay sống cùng với gia đình sau khi trưởng thành là điều mà bạn trẻ hiện nay luôn suy nghĩ.

Ra riêng: Được gì, mất gì?

Vài ngày gần đây, những khúc mắc giữa ca sĩ Thiện Nhân và gia đình “nổ” ra khiến nhiều người quan tâm. Trong những chia sẻ từ Thiện Nhân, cô cho hay từ khi học THPT, cô từng ngỏ ý xin gia đình ra ngoài sống để tự lập. Kể từ khi ra riêng, cô phải lo hết toàn bộ chi phí ăn uống, nhà trọ cho mình.

Đây cũng là vấn đề của đa số bạn trẻ hiện nay khi đã đến tuổi trưởng thành.

Rời gia đình, ra bên ngoài sống riêng được 1 năm, Nguyễn Minh Minh (23 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho hay những tháng ngày ra ở riêng là thời gian chật vật, tự lo hết mọi thứ. Minh thuê trọ, tự lo phí sinh hoạt và tự đi làm kiếm tiền vất vả hơn khi ở nhà. Tuy vậy, theo Minh, từ ngày rời gia đình, cuộc sống riêng rất thoải mái, tự do giờ giấc hơn và học được cách tự lập, lo cho bản thân, không còn phụ thuộc gia đình.

Khi đến tuổi trưởng thành, nhiều bạn trẻ đứng trước lựa chọn cuộc sống riêng hay chung với gia đình

Dạ Thảo

“Tôi thì không áp lực tiền bạc nhưng đổi lại được trưởng thành hơn vì phải tự làm mọi thứ, cả việc tự ý thức đi chơi về sớm, hay vượt qua cám dỗ khi không có cha mẹ ở bên cạnh nhắc nhở. Nhất là tôi cảm thấy mình mạnh mẽ hơn, vượt qua được nhiều thử thách trong cuộc sống”, Minh chia sẻ.

Phan Phú Mỹ (27 tuổi, ngụ đường Nguyễn Công Hoan, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cũng đồng tình với ý kiến của Minh. Anh nói rằng gần 10 năm qua anh đã học được nhiều thứ từ khi rời gia đình vào thành phố lập nghiệp. Có những thứ, chính cuộc sống đã "dạy" chứ gia đình khó có thể dạy được.

Ngược lại, Võ Hy Thạch Khang (sinh viên Trường ĐH Hoa Sen), cho rằng vẫn nên ở chung với gia đình bởi Khang còn cha mẹ, ông bà bên cạnh. Khang coi việc chăm sóc cha mẹ, ông bà là nghĩa vụ.

“Với lại tôi cũng chưa có công việc ổn định, ra riêng sẽ gây áp lực với gia đình. Còn đi làm tự lo bản thân sẽ không có thời gian chăm sóc và lo lắng cho ông bà. Nếu ở riêng, tôi nghĩ chỉ cần ra ở thời gian ngắn, trải nghiệm xong rồi quay về nhà. Bằng không thì đi du lịch nhiều nơi hơn, va chạm xã hội nhiều hơn chứ không nhất thiết phải ra riêng lúc này”, Khang nói.

Đang là sinh viên, đi học xa nhà nhưng khi hỏi ra ở riêng hay không thì Phạm Đức Trung (sinh viên Trường ĐH Sài Gòn) nói rằng sẽ quay về ở cùng gia đình khi học xong. Bởi theo Trung, ở với gia đình được nhiều thứ hơn như gần gũi cha mẹ, được sự quan tâm và tình thương từ gia đình. Ngoài ra, ở chung có nhiều thứ không phải lo như thuê nhà và những bữa ăn.

“Ở với gia đình không có nghĩa là dựa dẫm mà là tìm một nơi bình yên. Khi cuộc sống mỗi ngày đều được gần cha mẹ thì với tôi đó là điều hạnh phúc. Dù có mất tự do, không thoải mái hơn một chút nhưng đó là những gì tôi cảm thấy hạnh phúc”, Trung cho hay.

Nên suy nghĩ thấu đáo trước khi lựa chọn

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An (cựu giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng khi giới trẻ trưởng thành, ra ở riêng hay chung thật sự không mới. Tuy nhiên, đó là vấn đề tranh luận trong suốt nhiều năm qua với giới trẻ.

Theo thạc sĩ An, khi bạn trẻ trưởng thành, lựa chọn rời gia đình ở riêng sẽ phát triển được tính tự lập, quyết định được cuộc sống, tự do, phát triển được nhiều kỹ năng. Ngược lại, những lúc gặp khó khăn bạn trẻ sẽ tự giải quyết, đối mặt nhiều rủi ro và hoàn toàn mà không có gia đình giúp đỡ.

Lựa chọn ở chung hay ở riêng thì bạn trẻ cũng cần phải tự lập mọi lúc

ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Những bạn trẻ chọn cách sống với gia đình sẽ được quan tâm, chăm sóc nhiều khía cạnh. Đồng thời, thuận lợi hơn trong nhiều tình huống, được ăn ngon, ngủ kỹ hay là nhận được tình thương yêu nhiều hơn từ gia đình. Tuy vậy, mặt trái của việc sống cùng gia đình sẽ làm bạn trẻ bị ỷ lại, khó tự lập, không phát triển được kỹ năng sống cơ bản.

Thạc sĩ An nhận định: “Việc lựa chọn sống như thế nào còn phụ thuộc vào điều kiện, sở thích của cá nhân. Tuy nhiên việc ở đâu, có lựa chọn nào thì bản thân mỗi bạn trẻ cũng đều phải tự học, tự lo được cuộc sống của mình. Trước khi ra riêng cần cân nhắc quyết định của mình, đặt lộ trình và thích nghi tốt với môi trường đó. Đối với những bạn vừa vượt qua tuổi 18, chưa có nhiều kinh nghiệm sống mà ra riêng thì cần nhất là luôn giữ kết nối, chia sẻ với gia đình, bạn bè để không bị 'ngộp' khi sống riêng”.

Cuối cùng, thạc sĩ An nhấn mạnh bạn trẻ ra ở riêng không phải là cắt đứt mà nên chia sẻ nhiều thứ với gia đình hơn. “Bởi vì gia đình chính là môi trường và ngôi trường đầu tiên của cuộc đời, cho dù ở chung hay riêng chúng ta không được tách biệt mối liên hệ bản thân khi đã trưởng thành với gia đình của mình”, thạc sĩ An chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.