Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi men theo các tuyến đường Lê Văn Chí, Hoàng Diệu 2, Linh Trung… ở TP.Thủ Đức (TP.HCM), nơi gần nhiều trường đại học. Đi sâu vào các tuyến hẻm nhỏ không khó để nhìn thấy những tấm biển treo cho thuê phòng trọ. Tuy nhiên, khi gọi điện hỏi thông tin thì chủ trọ cho biết phòng còn trống nhưng chưa cho thuê, vì đang trong giai đoạn sửa chữa để chào đón tân sinh viên.
Trong bối cảnh chuẩn bị bước vào năm học mới, nhiều chủ trọ tăng giá phòng, khiến việc tìm nơi ở với mức giá phù hợp không phải là điều dễ dàng. Giá thuê trọ cùng sinh hoạt phí tăng cao gây áp lực không nhỏ đối với sinh viên.
Lê Thị Kim Ngân, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Mình ở thuê trong căn phòng rộng 16 m2 trên đường Lê Văn Chí, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, từ năm 2022. Mỗi tháng, mình trả khoảng 1,3 triệu đồng tiền thuê phòng, chưa bao gồm điện, nước. Căn phòng này không có nội thất và gác lửng”, Ngân nói.
Vừa nhận được thông báo tiền thuê trọ tăng khoảng 1 triệu đồng kể từ ngày 1.8, Ngân rốt ráo tìm phòng khác nhưng đến nay vẫn chưa có căn nào phù hợp, vì thời điểm này đa phần các nơi đều tăng.
Kim Ngân cho biết vừa qua chủ nhà thông tin các phòng sẽ trang bị điều hòa, sơn lại tường, gắn camera ở dãy hành lang trong khu trọ và trang bị khóa vân tay cửa ra vào. Chủ nhà nói rằng làm mới phòng trọ để chào đón tân sinh viên. Sau khi sửa lại, họ báo tăng giá phòng trọ, tiền điện từ 3.000 đồng lên 3.500 đồng/kWh. Thấy vậy, Kim Ngân đã thông báo với chủ trọ sẽ kết thúc hợp đồng thuê phòng vào giữa tháng 8.2024.
Mai Xuân Triết, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cùng bạn ở chung đã phải chuyển trọ đến 3 lần trong 3 năm qua. Lý do chuyển phòng là chủ nhà tăng giá thuê vào giai đoạn bắt đầu năm học mới. “Các nhà trọ bây giờ dù phòng diện tích rất nhỏ nhưng giá lại... trên trời”, Triết ta thán.
Khảo sát tại dãy trọ trên những tuyến đường số 2, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn thuộc P.3, Q.Gò Vấp, nơi gần các trường như: ĐH Công nghiệp, Văn Lang, Gia Định. Giá thuê cho 1 phòng trọ có diện tích khoảng 20 m2, có gác, máy điều hòa, không gian thoáng mát, sạch sẽ... giá khoảng 4 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm tiền điện, các chi phí khác.
Anh Bùi Hoàng Tuấn, quản lý 1 khu trọ trên đường Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp, cho biết: “Dãy trọ của mình có 12 phòng đang trống, còn khá mới, có gác, máy điều hòa. Mỗi phòng có giá thuê từ 3,5 - 4 triệu đồng, tùy diện tích. Vào đầu năm học, lượng người có nhu cầu thuê tăng cao, khan hiếm phòng nên chủ trọ tăng thêm 1 triệu đồng và phí dịch vụ 150.000 đồng/phòng/tháng. Những người ký hợp đồng thuê phòng trong 1 năm sẽ được giảm giá 200.000 đồng/tháng. Khi vào ở, người thuê phải thanh toán tiền phòng, phí dịch vụ và tiền cọc 1 tháng cho chủ nhà”.
Nhiều sinh viên, người lao động trẻ đang thuê trọ tại khu vực gần làng đại học Thủ Đức và các quận tập trung nhiều trường đại học, như: Q.Bình Thạnh, Q.10, Gò Vấp đều cho biết chủ trọ của họ đã rục rịch tăng giá tiền phòng để chào đón tân sinh viên. Nếu không tăng giá phòng, nhiều chủ nhà trọ cũng tìm cách tính thêm đủ thứ phí.
Là một người thuê phòng, Nguyễn Thị Kiều Anh (24 tuổi), đang trọ tại 785 Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp, thừa nhận đầu năm học mới là thời điểm rất khó cho việc tìm chỗ trọ. Kiều Anh mới chuyển đến phòng trọ này được hơn 1 tuần ở chung cùng 2 người bạn, vì phòng trọ cũ chủ thông báo tăng giá kể từ đầu tháng 8 để chuẩn bị đón tân sinh viên. Phòng trọ tăng giá đã gây ảnh hưởng không ít đời sống của mọi người.
“Không chỉ giá thuê tăng, chủ trọ cũ “đẻ” ra nhiều loại chi phí đi kèm khiến người thuê càng thêm áp lực. Phòng trọ cũ của mình ở gần Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Q.Bình Thạnh, có giá 3,7 triệu đồng/tháng, miễn phí wifi, tiền dịch vụ. Giữa tháng 6, mình gặp chủ trọ để gia hạn hợp đồng thuê phòng đến cuối năm. Họ nói rằng mình phải đóng thêm 100.000 đồng phí giữ xe gắn máy vì mới lắp đặt camera, 50.000 tiền rác và cả tiền thang máy nữa”, Kiều Anh kể.
Bình luận (0)