Sáng nay, 9.8, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp với các vụ, cục liên quan đến các vụ việc hàng hoá Việt Nam xuất khẩu bị các nước kiện liên quan đến phòng vệ thương mại (PVTM).
Theo số liệu của Cục Phòng vệ thương mại, trong 7 tháng qua, tần suất các vụ kiện PVTM với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức độ cao (trung bình 1 vụ/1 tháng). Hiện nay, Bộ Công thương đang tiến hành xử lý 7 vụ việc PVTM (gồm 5 vụ việc chống bán phá giá, 2 vụ việc trợ cấp) do các đối tác khởi xướng điều tra với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang tiếp tục xử lý 7 vụ việc khởi xướng từ năm 2018, 4 vụ việc rà soát biện pháp PVTM đã áp dụng, trong đó có những vụ việc liên quan đến ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như cá tra, tôm.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM, cho rằng trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang gia tăng, đặc biệt đối với nhiều nhóm sản phẩm như thép, nhôm, nông sản, thủy sản…, để giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp PVTM cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, ngay cả khi Việt Nam phát triển được chuỗi sản xuất tại chỗ (ví dụ như thép, nhôm) nếu xuất khẩu của ta sang tăng nhanh, đột biến thì ngoài biện pháp chống lẩn tránh, không loại trừ khả năng nước nhập khẩu sẽ điều tra chống bán phá giá và trợ cấp với sản phẩm của ta.
Trong khi đó, đại diện Vụ Thị trường châu Á, châu Phi cho hay, lâu nay, ấn tượng vẫn là hàng Việt bị kiện PVTM tại thị trường châu Âu, châu Mỹ nhưng gần đây, hàng Việt đã phải đối diện với 21 vụ kiện PVTM tại khu vực châu Á, nổi lên là từ các thị trường trong khu vực ASEAN, nhất là từ Ấn Độ.
Ngoài ra, thời gian qua, câu chuyện hàng Trung Quốc gian lận xuất xứ hàng Việt để xuất đi nước khác được nói tới nhiều, song chưa tập trung chú ý đến gian lận xuất xứ từ nước khác mượn đường qua Việt Nam để xuất đi Trung Quốc.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thì lo ngại việc nhiều nước, nhất là Mỹ, đang có cách tiếp cận mới trong vấn đề lẩn tránh thuế. “Như mặt hàng thép, mấy chục năm qua chúng ta vẫn làm tôn từ thép cán nóng Trung Quốc. Nhưng mới đây, việc này được Mỹ coi là lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng cho Trung Quốc”, ông Khánh dẫn chứng và nhấn mạnh: “Đây là sự thay đổi cách tiếp cận cực kỳ lớn của phía Mỹ. Nếu một ngày họ áp dụng ngẫu hứng cách tiếp cận này cho cả hàng dệt may, da giày… thì câu chuyện càng nguy hiểm hơn”.
Do đó, theo ông Khánh, Cục PVTM cần xem xét việc thay đổi cách tiếp cận này có phù hợp với những quy định của WTO hay không; đồng thời, xác định mặt hàng nào có nguy cơ cao bị áp dụng triết lý mới này để cảnh báo, nhất là trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung tăng cao.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cảnh báo rằng, tới đây có thể có thêm nhiều đối tác khác mang theo tâm lý bảo hộ hơn, hàng rào kỹ thuật hay hành chính cũng siết chặt hơn.
“Cho nên, Cục PVTM cần bám sát, có đánh giá, dự báo tiếp, chủ động được. Chủ động là tăng cường hợp tác quốc tế, dựa trên khung khổ pháp lý để hợp tác với Mỹ, EU… Cần phải có cơ chế hợp tác với các đơn vị tại các quốc gia nay để phòng tránh tranh chấp thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông Tuấn Anh yêu cầu.
Bình luận (0)