Tận thu rừng dầu rái sai quy định: Chủ rừng 'hô biến' báo cáo để đối phó

Đức Huy
Đức Huy
18/03/2018 08:35 GMT+7

Liên quan đến vụ việc rừng trồng dầu rái, sao đen bị tận thu sai quy định, chủ rừng đã 'hô biến' báo cáo để đối phó với cơ quan chức năng.

Sau khi Thanh Niên ngày 17.3 phản ánh việc Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Tây Hòa (Phú Yên) tận thu rừng trồng dầu rái, sao đen không đúng quy định tại tiểu khu V9.2 do đơn vị này quản lý, PV Thanh Niên còn phát hiện thêm chủ rừng đã “hô biến” báo cáo để đối phó với cơ quan chức năng.
Theo tìm hiểu của PV, sau khi người dân phản ánh, chiều 15.3 Hạt Kiểm lâm H.Tây Hòa tổ chức kiểm tra thì phát hiện Ban QLRPH Tây Hòa tận thu cây gỗ bị gãy, ngã nhưng không báo cáo cho kiểm lâm, chưa có hồ sơ, thủ tục khai thác theo quy định. Khi sự việc vỡ lở, ngay trong ngày 15.3, ông Phan Phiến, Giám đốc Ban QLRPH Tây Hòa, vội vã báo cáo Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, UBND H.Tây Hòa và Hạt Kiểm lâm H.Tây Hòa. Thế nhưng, trong báo cáo này cũng chỉ xác định rừng đã bị khai thác tận thu ở khu vực Cây Tung (thôn Lạc Đạo, xã Sơn Thành Tây, H.Tây Hòa). Sáng 16.3, khi lãnh đạo Sở NN-PTNT và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên kiểm tra thực tế thì phát hiện nhiều gốc cây dầu rái bị đốn hạ, được che giấu bằng cách dùng đất, lá cây phủ lấp gốc.
Cũng trong sáng 16.3, Hạt Kiểm lâm H.Tây Hòa tiến hành kiểm tra khu vực rừng suối Buôn (thuộc tiểu khu V9.2) thì phát hiện gỗ đã tận thu xong. Thế nhưng, Ban QLRPH Tây Hòa lại không báo cáo việc tận thu này. Đến trưa 16.3, ông Phan Phiến sửa lại báo cáo ngày 15.3 trước đó đã gửi Sở NN-PTNT, UBND H.Tây Hòa và Hạt Kiểm lâm H.Tây Hòa, bổ sung việc tận thu tại khu vực rừng suối Buôn. Ông Phiến biện minh: “Khu vực đó chưa kịp báo cáo nên bây giờ báo cáo bổ sung”. Trong khi khu vực này đã khai thác tận thu từ lâu, dấu vết bánh xe vào khai thác đã cũ, gỗ tận thu cũng không còn ở hiện trường hay bãi tập kết.
Trước truy vấn của PV Thanh Niên, rằng người dân phản ánh gỗ khai thác tận thu đã bán ra ngoài thì ông Phiến thanh minh: “Người dân vào tận thu cành nhánh chở đi bán chứ không phải Ban QLRPH Tây Hòa bán ra ngoài. Trong quá trình người dân vào tận thu, họ lợi dụng chặt trộm cây. Do cánh rừng này (rừng suối Buôn) nằm giữa khu vực đất sản xuất nên không thể quản lý được”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.